Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:16 (GMT +7)
Kỷ niệm 68 Ngày Truyền thống Phát thanh Quảng Ninh (2/9/1956-2/9/2024), 41 năm phát sóng truyền hình Quảng Ninh (2/9/1983-2/9/2024) Vươn xa những "cánh sóng"
Thứ 2, 02/09/2024 | 08:31:01 [GMT +7] A A
Trong không khí phấn khởi cùng nhân dân cả nước kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, những người làm phát thanh - truyền hình tại Quảng Ninh có thêm niềm vui lớn: Kỷ niệm 68 năm Ngày Truyền thống Phát thanh Quảng Ninh (2/9/1956-2/9/2024), 41 năm phát sóng truyền hình Quảng Ninh (2/9/1983-2/9/2024). Trên hành trình phát triển, cánh sóng phát thanh, truyền hình tỉnh đã không ngừng bay cao, vươn xa, trở thành hai trong 4 hạ tầng trụ cột của Trung tâm Truyền thông tỉnh hiện nay.
Những ngày đầu gian khó
Ngược dòng thời gian theo trang kỷ yếu được viết bởi những người đặt nền móng cho phát thanh Quảng Ninh, ngày 2/9/1956 đã ghi dấu ấn đáng nhớ. Đúng 8h, buổi tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu bằng việc tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thủ đô Hà Nội. Vào 17h00 cùng ngày, bản tin đầu tiên của Đài phát sóng với câu xưng danh “Đây là Đài Truyền thanh Hòn Gai” vang lên trong niềm phấn khởi của quân và dân Vùng mỏ. Sau đó, Đài đều đặn phát sóng 15 phút tin tức từ 5h15'-5h30' hằng ngày, ngay trước bản tin đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tháng 9/1959, do yêu cầu của công tác tuyên truyền, các Đài Truyền thanh Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Yên được hợp nhất thành Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng. Tháng 10/1963, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh được hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh, Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng cũng đổi tên thành Đài Truyền thanh Quảng Ninh. Sau đó không lâu, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Đài phải đi sơ tán nhiều nơi, các thiết bị phải chuyển từ Bến Đoan lên hang trên núi Bài Thơ. Năm 1976, Đài Truyền thanh Quảng Ninh được đổi tên thành Đài Phát thanh Quảng Ninh.
Tiếp nối phát thanh, năm 1983, tỉnh Quảng Ninh ra quyết sách làm truyền hình. Việc mua sắm, lắp đặt máy phát hình, dựng cột ăng-ten, kéo điện, làm đường, xây dựng nhà làm việc, bảo vệ… đến đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, phóng viên nắm kỹ năng làm truyền hình - một khối lượng công việc có thể coi là khổng lồ vào thời bấy giờ, tất cả đã được hoàn thành gấp rút, khẩn trương, nhanh chóng với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Sau hơn 6 tháng chuẩn bị, 19h ngày 2/9/1983 chương trình truyền hình Quảng Ninh đầu tiên được phát sóng trên kênh 12VHF. Từ đây, Đài Phát thanh Quảng Ninh cũng có tên mới là Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quảng Ninh. Với sự kiện này, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc có chương trình truyền hình, chỉ sau Truyền hình Việt Nam và trước cả truyền hình của những thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng.
Nhớ lại những đầu phát sóng chương trình truyền hình, ông Phạm Ngọc Thái, Nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Truyền dẫn - Phát sóng (Đài PT-TH Quảng Ninh) chia sẻ: Từ năm 1983 đến năm 1988, các chương trình phát sóng của Đài PT-TH Quảng Ninh phần lớn là phát băng của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngày đó, từ việc vận chuyển băng, lên chương trình cho tới phát đều được thực hiện thủ công. Tin tức trong nước và quốc tế luôn phát chậm hơn một ngày. Thêm vào đó, tôi là kỹ sư trẻ về làm việc tại Đài PT-TH Quảng Ninh được tiếp cận với thiết bị hiện đại, công nghệ mới, chương trình mới mà ở trong trường chưa từng được học. Do đó, mỗi cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động nỗ lực từng ngày, vừa làm, vừa tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư nhiều thời gian. Những ngày tháng gian khó đó là chặng đường đầy tự hào của cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động của Đài PT-TH Quảng Ninh.
Trải qua chặng đường 68 năm phát sóng phát thanh, 41 năm phát sóng truyền hình, PT-TH Quảng Ninh không ngừng vươn xa, phát triển mạnh mẽ với các dấu mốc đáng tự hào. Đáng chú ý, ngày 1/1/2019, Đài PT-TH Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh) và Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh) được hợp nhất thành Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 1276-QĐ/TU (ngày 18/12/2018) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ghi dấu mốc mới trên hành trình phát triển
Trên nền tảng của các cơ quan báo chí hợp nhất, Trung tâm Truyền thông tỉnh vận hành theo mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện, phóng viên tác nghiệp đa loại hình, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng”, từng bước thực hiện chuyển đổi số với việc số hoá toàn bộ dữ liệu, tin học hoá toàn bộ các khâu trong mô hình “Toà soạn hội tụ” để khai thác sức mạnh của các loại hình báo chí.
Trung tâm Truyền thông tỉnh duy trì 2 kênh phát thanh QNR1 và QNR2. Kênh QNR1 - Thời sự chính trị tổng hợp phát sóng 18h/ngày từ 5h30' đến 23h30'. Trong đó, thời lượng tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là 3h/ngày, thời lượng chương trình tự sản xuất trung bình là 15h/ngày, phát lần 1 (phát mới) trung bình từ 7-8h/ngày, tỷ lệ tự sản xuất đạt gần 50%. Qua đó, tin tức được cập nhật liên tục qua các bản tin thời sự đầu giờ và các bản tin thời sự chuyên sâu. Kênh QNR2 - Văn hóa - Du lịch - Đối ngoại cũng phát sóng 18h/ngày, từ 5h30' đến 23h30', trong đó thời lượng tự sản xuất là 18h/ngày, phát lần 1 (phát mới) là 9h/ngày, tỷ lệ tự sản xuất đạt 50%.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm sản xuất gần 900 chương trình phát thanh trực tiếp, gần 50 chương trình tọa đàm, talk show, trên 2.000 chuyên đề, chuyên mục, hàng chục nghìn tin, bài thời sự. Nội dung các chương trình phát thanh được xây dựng theo xu hướng phát thanh hiện đại, tương tác, khuyến khích sự tham gia của thính giả vào các chương trình trên sóng. Kết cấu chương trình được xây dựng ngắn gọn, xen kẽ thông tin và âm nhạc, phù hợp với tâm lý người nghe. Một số chương trình phát thanh trực tiếp (Bác sĩ của bạn, Music +, Radio kết nối...) được phát trực tiếp (livestream) trên các fanpage Facebook của Trung tâm, góp phần tăng tương tác với thính giả sử dụng mạng xã hội.
Từ năm 2020, Trung tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống, thiết bị sản xuất và phát sóng mới, đồng bộ hóa, hiện đại, chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp chất lượng cao, giúp truyền tải thông tin đến công chúng nhanh chóng, kịp thời, sinh động và hấp dẫn.
Trung tâm đã phát triển kênh phát thanh Quảng Ninh trên mạng Internet, mạng xã hội và đặc biệt là App QMG trên thiết bị di động thông minh. Nhờ vậy, bất cứ lúc nào, ở đâu, thính giả cũng có thể nghe được các chương trình phát thanh Quảng Ninh, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa phát thanh và truyền hình, phát thanh và báo mạng điện tử; mở rộng diện phủ sóng phát thanh, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Ông Hoàng Quang Thịnh (khu 5, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) cho biết: Các chương trình phát thanh của Trung tâm Truyền thông tỉnh luôn là người bạn đồng hành cùng tôi và gia đình trong cuộc sống. Với việc đổi mới từ nội dung, chương trình cho đến cách thể hiện, phát thanh Quảng Ninh ngày càng sinh động, hấp dẫn, thiết thực với người dân. Ví dụ như chương trình phát thanh trực tiếp “Chuyện cùng bác sỹ”, tôi được lắng nghe các bác sỹ tư vấn; tương tác, giải đáp, chia sẻ những câu hỏi về bệnh lý của mình; lan tỏa chương trình đến với bạn bè, người thân để mọi người cùng tham gia.
Cùng với đó, truyền hình Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc. Hai kênh truyền hình QTV1 và QTV3 đã được sắp xếp, cấu trúc nội dung khung phát sóng. Kênh Truyền hình QTV1 - Thời sự chính trị tổng hợp, phát sóng 24h/ngày, trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất trung bình là 12h/ngày, phát lần 1 (phát mới) trên 3h/ngày, phát lại 9h/ngày. Kênh truyền hình QTV3 - Giải trí tổng hợp, phát sóng 24h/ngày, thời lượng tự sản xuất trung bình trên 10h/ngày, phát lần 1 (phát mới) gần 2,5h/ngày, phát lại trên 7h/ngày. Các bản tin, chương trình thời sự được cơ cấu lại với 7 bản tin/ngày; thời lượng bản tin được nâng lên so với trước, tỷ lệ sản xuất tin, bài thời sự tăng 50% so với thời điểm trước năm 2019, liên tục được cập nhật, tăng cường sử dụng thông tin bằng đồ họa, tạo sự sinh động cho bản tin; phóng viên tăng cường dẫn hiện trường.
Các bản tin tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp), bản tin tiếng dân tộc (tiếng Dao) tiếp tục được duy trì phát sóng hằng ngày trên sóng truyền hình. Số lượng các chương trình chuyên đề, chuyên mục được sản xuất và phát sóng trên 2 kênh QTV1 HD và QTV3 HD tăng 40% so với thời điểm trước khi hợp nhất. Một số chương trình được sản xuất hằng ngày với format mới hiện đại đã thay thế các chương trình phải mua trước đây, như: Dự báo thời tiết, ẩm thực Quảng Ninh, chuyện cùng bác sĩ... Các chương trình truyền hình được chú trọng hơn từ khâu quay phim đến sử dụng các phần mềm, kỹ sảo dựng hiện đại, phim trường ảo nên đã tạo hiệu ứng thị giác tốt, sức hấp dẫn, phục vụ đa dạng khán giả.
Đặc biệt, năm 2023, Trung tâm đã sản xuất bộ phim truyện truyền hình dài 7 tập có tựa đề “Bình minh đang lên”, tổ chức sự kiện đêm nhạc “Quảng Ninh - Hành trình khát vọng”, sản xuất series phim tài liệu “Quảng Ninh biên niên sử truyền hình” dài 13 tập để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả, nhân dân.
Từ việc phục vụ nhân dân trong tỉnh, Truyền hình Quảng Ninh đã vươn xa đến với người dân trên mọi miền Tổ quốc và một số nước trong khu vực bằng nhiều phương tiện như ti vi, máy tính, điện thoại thông minh qua các ứng dụng như: Youtube, facebook, tiktok hay QMG media…
Hơn 5 năm qua, PT-TH Quảng Ninh đã luôn đồng hành với những sự kiện lịch sử hào hùng của Vùng mỏ. Mỗi tin tức, bài viết, chương trình phát sóng đều thấm đẫm "hơi thở" cuộc sống, làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần dựng xây đất mỏ anh hùng. Trung tâm Truyền thông tỉnh cũng ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng báo chí danh giá, liên hoan phát thanh, liên hoan truyền hình và giải báo chí khác của bộ, ngành Trung ương.
Với mô hình toà soạn hội tụ, Trung tâm Truyền thông tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế trên lĩnh vực báo chí, truyền thông cả nước, tiếp tục vươn cao, vươn xa, là niềm tự hào của người dân Vùng mỏ trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Thế hệ hôm nay tự hào và tự tin tiếp nối và viết nên những dấu mốc mới.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()