Trao đổi với PV Lao Động – chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: “Rất nhiều tín hiệu lạc quan trong tổng thể bức tranh kinh tế 8 tháng qua, trong đó, chỉ số xuất khẩu 8 tháng tăng, vốn đầu tư tăng, vốn của khu vực đầu tư nước ngoài và chỉ số gieo trồng là chỉ số đẹp vì tăng hơn so với năm trước và ở mức xấp xỉ chứ không sụt giảm dù dịch COVID-19 căng thẳng”.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, các mặt hàng chủ lực như nông sản, dệt may, điện thoại, linh kiện máy móc đang là mặt hàng thế mạnh sẽ tiếp tục phát huy lợi thế.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỉ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa trên thị trường. Với nỗ lực của các doanh nghiệp, trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63,1%.
Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục là “sếu đầu đàn” kéo kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh như: Điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỉ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỉ USD; hàng dệt may đạt 19,2 tỉ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỉ USD; giày dép đạt 10,9 tỉ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỉ USD; thủy sản đạt 5,2 tỉ USD...
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bên cạnh điểm sáng về xuất khẩu, nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2021 cũng nhiều điểm lạc quan khác. mặc dù dịch COVID-19, nhưng tính chung 8 tháng năm 2021, mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp lên 5,6% - cao gấp hơn 2 lần mức tăng của cùng kỳ năm trước (8 tháng năm 2020 chỉ tăng 2,2%). Dẫn đầu mức tăng trưởng về chỉ số công nghiệp là ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%...
PGS.TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2021 chắc không đáng ngại bởi miền Bắc khống chế tốt dịch bệnh, còn miền Nam đang đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19.
Lập các "vùng xanh" trong "vùng đỏ" để giữ đà tăng trưởng
TS Nguyễn Đức Độ cũng chỉ ra rằng, trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, trong tháng 8.2021, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến các chỉ số như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng kim ngạch xuất khẩu đều giảm mạnh.
"Triển vọng kinh tế 4 tháng cuối năm rất khó dự báo, vì phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được khống chế trong quý III/2021, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể cao hơn năm ngoái" - TS Nguyễn Đức Độ nói.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng phân tích: Vấn đề cần cảnh báo là đứt gãy kết nối với thị trường nước ngoài, cần tăng khả năng hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn khó để tránh bị đóng cửa.
Để ổn định, duy trì sản xuất, giải pháp đầu tiên là cần quyết liệt hơn trong kiểm soát và dập dịch, đẩy nhanh tiên chủng và có thêm các giải pháp cứu trợ doanh nghiệp hiệu quả. Những khu vực an toàn cần kêu gọi hồi phục sản xuất trở lại để tạo lòng tin vào năng lực, vượt qua đáy suy giảm và phục hồi nhanh sau đó. Cần chú trọng sự đồng bộ, thông minh và hiệu quả của các giải pháp mà doanh nghiệp đề ra.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, cần có kịch bản dự báo về sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng sau đợt dịch này để có sự chuẩn bị cao nhất về nguồn lực. Đó là cơ hội hiếm có nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện. Hiện tại, sự suy giảm là rõ ràng nhưng không phải là đồ thị đi xuống khi các cơ hội vẫn còn.
"Nếu kiểm soát nhanh dịch bệnh trong tháng 9 bằng giải pháp hiệu quả và thông minh, 3 tháng cuối sẽ bù với sản lượng tương đương 4 tháng bằng giải pháp tăng ca làm vào thời gian cuối năm. Hết trạng thái đáy là đến trạng thái tốt hơn. Cần lạc quan với tình hình cho dù đang trong trạng thái dễ rơi vào bi quan. Các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin, có dự báo và điều chỉnh giải pháp, đặc biệt là giải pháp “vùng xanh” trong vùng đỏ để sản xuất an toàn" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
Ý kiến ()