Ngày 14/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết hầu như trẻ em tại các nước nghèo nhất đã bỏ lỡ một số hoặc tất cả các mũi tiêm đầu đời trong hai năm qua. Nguyên nhân là các cuộc xung đột, tình trạng phong tỏa vì đại dịch, ngành y tế tập trung nguồn lực cho chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Báo cáo từ hai tổ chức cho thấy đây là lần sụt giảm tiêm chủng định kỳ lớn nhất trong vòng 30 năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nhanh tạo điều kiện phát triển cho các loại bệnh tật nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ.
Từ năm 2019 đến năm 2021, tỷ lệ trẻ em được tiêm ba liều bạch hầu, ho gà, uốn ván giảm 5 điểm phần trăm, khiến mức bao phủ vaccine nói chung giảm còn 81%.
Số người tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) cũng giảm khoảng 25%. Tỷ lệ tiêm chủng sởi giảm còn 81%, lần đầu kể từ năm 2021. WHO lưu ý đây là mức thấp nhất kể từ năm 2008, có nghĩa 24,7 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều đầu tiên của vaccine sởi.
"Đây là báo động đỏ về sức khỏe trẻ em. Chúng ta đang chứng kiến tốc độ tiêm chủng giảm liên tục lớn ở cả một thế hệ. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, nếu không muốn mất hàng triệu trẻ", bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF, phát biểu.
Ý kiến ()