Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:18 (GMT +7)
Xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, danh thắng
Chủ nhật, 13/08/2023 | 16:02:08 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động tốt những nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hoá - Thể thao, từ năm 2001 đến nay, các di tích được đầu tư từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác chiếm số lượng đáng kể với tổng số tiền trên 2.411 tỷ đồng/53 công trình. Riêng 3 quy hoạch chủ yếu là dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo Vịnh Hạ Long, Khu di tích Yên Tử, Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều, Khu di tích Bạch Đằng, đền Cửa Ông khoảng trên 2.200 tỷ đồng, còn lại là các di tích khác trên 500 tỷ đồng.
Quảng Ninh tiếp nhận viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa khoảng 21 tỷ đồng. Các dự án tiêu biểu như: Thí điểm quản lý rác thải nhựa đô thị khu vực vùng bờ Vịnh Hạ Long do Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ hơn 3,6 tỷ đồng; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long do Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ 6,7 tỷ đồng; mạng lưới hành động về tiết giảm - tái sử dụng - tái chế rác thải nhựa (3R) ở Việt Nam do Quỹ Coca - Cola toàn cầu tài trợ gần 9,7 tỷ đồng; Dự án nâng cao năng lực bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long do Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF) tài trợ hơn 1 tỷ đồng.
Trong những năm qua, chính sách khuyến khích đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về di sản văn hóa. Một số chương trình, kế hoạch khảo sát, thăm dò, khai quật khảo cổ được tiến hành với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài như: Khai quật địa điểm bãi cọc đồng Má Ngựa năm 2010, thăm dò địa điểm Đồng Chổi năm 2019…
Các chương trình hợp tác về bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Bạch Đằng và nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ XIII”, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới; phối hợp triển khai dự án xây dựng phân Viện Trần Nhân Tông tại TX Đông Triều.
Quảng Ninh đã cấp 1 giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu sưu tầm văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Quảng Ninh cũng thu hút được sự hợp tác, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long, trong đó có 163.145 USD từ Quỹ Di sản thế giới; 972.000 USD từ Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ; 77.470 USD và 60 triệu yên từ Cơ quan Hợp tác JICA (Nhật Bản)... Tỉnh luôn tích cực chủ động mở rộng, đẩy mạnh và thường xuyên trao đổi, duy trì mối quan hệ mật thiết với Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, Mạng lưới Di sản biển, Hiệp hội Các vịnh đẹp nhất thế giới, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới - IUCN, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý di sản. Vịnh Hạ Long mở rộng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản với Sở Di sản Jeju (Hàn Quốc).
Các tổ chức, diễn đàn mà Vịnh Hạ Long tham gia và là thành viên đều được phát huy tốt vai trò như: Mạng lưới các nhà quản lý di sản thế giới biển, Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới, mạng lưới G20 các quốc gia có kỳ quan được công nhận là một trong 7 kỳ quan thế giới (New7Wonders)... Điều này giúp tiếp thu, học hỏi những kinh nghiệm quản lý di sản tiên tiến, đồng thời tranh thủ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kinh nghiệm từ quốc tế để phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di sản; nâng cao uy tín, vị thế và góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh ra thế giới.
Từ các mối quan hệ trên, nhiều hoạt động giao lưu với các nước về văn hóa, nhiều chương trình dự án về bảo tồn di sản được các tổ chức quốc tế tài trợ thực hiện, như: Dự án “Nâng cao năng lực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long” do UNESCO tài trợ; dự án cơ sở JICA gồm 2 giai đoạn: Dự án “Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long về bờ xử lý” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ; Dự án “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà” do Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ tài trợ; Dự án “Đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long” do UNESCO tài trợ; Dự án “Nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ trên Vịnh Hạ Long” từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản...
Quảng Ninh từng có 2 bảo tàng tư nhân là Bảo tàng Phạm Huy Thông ở TX Quảng Yên và Bảo tàng của Công ty Quốc tế Hoàng Gia lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể có giá trị nhưng đến nay đều đã dừng hoạt động. Một số doanh nghiệp, cá nhân có những bộ sưu tập cổ vật quý nhưng chưa kiểm kê, trưng bày, công bố rộng rãi.
Các khu du lịch Quảng Ninh Gate, Khu du lịch làng quê Yên Đức, Công ty CP Sen Á Đông, Công ty Du thuyền Pacefic và nhiều doanh nghiệp khác đã chủ động khai thác những giá trị văn hóa phi vật thể của Quảng Ninh đưa vào kinh doanh du lịch. Hoạt động múa rối nước, hát chèo được khai thác tại Tuần Châu Hạ Long, tại Yên Đức, TX Đông Triều.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()