Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:08 (GMT +7)
Xây dựng chiến lược tổng thể thu hút đầu tư FDI
Thứ 4, 24/04/2024 | 14:23:07 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 24/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về tình hình, kết quả và các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư FDI và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cùng nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có chiến lược, kế hoạch bài bản; nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thu hút tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào tỉnh, thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động với nhiều sự kiện. Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, theo đó số lượng nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến tỉnh ngày càng tăng.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt trên 3,24 tỷ USD, đứng thứ 3 trên cả nước về thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. 3 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh trên đạt 851 triệu USD, đạt 28,3% kế hoạch năm.
Để hoàn thành mục tiêu thu hút FDI năm 2024 đạt 3 tỷ USD, hiện nay công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đang được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó đặc biệt là việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ thu hút đầu tư vào các KCN. Hiện nay, trong 4 KCN còn dư địa phát triển gồm: KCN Texhong Hải Hà; KCN Bắc Tiền Phong; KCN Nam Tiền Phong; KCN Sông Khoai, diện tích có thể thu hút nhà đầu tư năm 2024 là khoảng 336ha. Sau thời gian tích cực triển khai thực hiện, đến nay nguồn vật liệu san lấp đã bước đầu được giải quyết với việc triển khai 39 điểm mỏ với tổng trữ lượng khoảng 200 triệu m3. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng cấp điện, nước, hạ tầng xã hội cũng đang được tập trung triển khai.
Cho ý kiến chỉ đạo nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, để thực sự tạo những bước đột phá về thu hút FDI, phải xây dựng chiến lược tổng thể thu hút đầu tư FDI vào địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng dự thảo chiến lược, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Trong đó, nội dung phải bám sát vào các định hướng đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy và các chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh. Nguyên tắc, chủ trương thu hút đầu tư FDI là thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng và ngân sách nhà nước. Thu hút các dự án FDI gắn liền với phát triển bền vững các KCN, KKT thực sự trở thành những động lực tăng trưởng. Tạo ra môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Mục tiêu tổng thể của chiến lược thu hút FDI đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; trở thành đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; trung tâm thủy sản miền Bắc, trung tâm năng lượng của quốc gia.
Chỉ đạo một số vấn đề cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu chiến lược tổng thể thu hút FDI phải phân tích rõ thực trạng cũng như cơ hội, thách thức của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp mang tầm chiến lược để thực hiện mục tiêu thu hút 10 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, cần tập trung phân tích những lợi thế khi Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể. Lợi thế của địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế, môi trường đầu tư - kinh doanh tốt nhất cả nước. Dư địa phát triển còn rất lớn, đặc biệt là ở các KCN, KKT. Với GRDP bình quân đầu người năm 2024 dự kiến đạt trên 10.000 USD, Quảng Ninh đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một bức tranh tổng thể của một địa phương hiện đại, văn minh, đủ khả năng tiếp cận được với những thành tựu mới của thế giới.
Cùng với đó, chiến lược thu hút FDI cũng phải đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề thực sự căn cơ, thách thức đối với Quảng Ninh. Đặc biệt là những vấn đề về chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, khả năng cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế.
Về giải pháp triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý một số nhóm giải pháp chính. Trong đó, phải xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cần ban hành danh mục các dự án khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên các lĩnh vực, ở các địa bàn trên địa bàn vào tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 bằng nhiều ngôn ngữ để thu hút đầu tư. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đối mới thiết bị công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, phát triển xanh.
Tận dụng xu thế dịch chuyển nguồn nhân lực ở khu vực cũng như trong phạm vi cả nước. Đặc biệt là xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực khi các dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương lân cận được hoàn thành. Tiếp tục rà soát khả năng đáp ứng các dự án đầu tư của hệ thống hạ tầng trong nội bộ các KCN, KKT, hạ tầng xã hội để có giải pháp, lộ trình đầu tư phù hợp. Giữ vững thương hiệu của địa phương đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ chế giao nhiệm vụ cho các sở, ngành để giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến thu hút đầu tư. Thành lập Tổ công tác về xúc tiến đầu tư của tỉnh chỉ đạo việc tiếp cận, xúc tiến các dự án lớn, động lực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước nghiên cứu. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư.
Cùng với thu hút FDI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân. Từ đó, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, chiến lược của tỉnh trong giai đoạn tới.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về kết quả giám sát đối với một số cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn 2020-2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()