Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:45 (GMT +7)
Xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì nhân dân
Thứ 4, 25/10/2023 | 09:29:44 [GMT +7] A A
60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh kiên trì thực hiện các giải pháp xây dựng chính quyền theo phương châm chính quyền của dân, do dân và vì nhân dân. Tỉnh luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", "dân là chủ" và "dân làm chủ". Mọi chủ trương, đường lối đều phải vì lợi ích của nhân dân; biết khơi dậy, phát huy sức sáng tạo và mọi nguồn lực trong nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để tiến hành công cuộc đổi mới.
Phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngay sau khi được thành lập, tỉnh luôn chú trọng xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa III) tháng 3/1965, quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, tỉnh đã chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, các cơ quan Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính quyền các cấp gấp rút chấn chỉnh, sắp xếp, kiện toàn về tổ chức; sửa đổi lề lối và tác phong làm việc, thực hiện đúng chức năng, giản tiện hóa các TTHC, kịp thời giải quyết các vấn đề của cuộc sống và chiến đấu đặt ra.
Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh tích cực củng cố chính quyền dân chủ nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực của cơ quan nhà nước ở địa phương. Nội dung hoạt động của HĐND các cấp đã đề cập nhiều đến những vấn đề thiết thực về kinh tế và đời sống nhân dân. Ủy ban Hành chính từng bước đi sâu vào việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xác định rõ hơn chức năng chỉ đạo thực hiện sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm quốc phòng an ninh và chi viện cách mạng miền Nam.
Ở thời kỳ chiến tranh, giai đoạn bao cấp hay giai đoạn đổi mới sau này, tỉnh đều chú trọng cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế hành chính, tăng cường cán bộ cho cơ sở, làm cho hiệu lực tổ chức thực hiện và quản lý kinh tế của nhiều ngành, nhiều địa phương tiến bộ. Tỉnh phát động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, chính quyền các cấp được kiện toàn về số lượng và chất lượng, uy tín của chính quyền đốì với quần chúng được nâng lên, tiếng nói của quần chúng được coi trọng. Nhân dân luôn đề cao ý thức theo dõi, giám sát, phát hiện, đấu tranh phê bình, giúp đỡ cán bộ và cơ quan nhà nước.
Việc xây dựng chính quyền địa phương các cấp được triển khai đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, đại biểu HĐND các cấp được bầu đủ về số lượng, đúng cơ cấu; tăng đại biểu hoạt động chuyên trách; chất lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đại biểu HĐND được nâng cao. Cơ cấu tổ chức của UBND bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của UBND, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên UBND.
Đặc biệt, từ năm 2000 trở lại đây, Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp, đồng thời tích cực thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó tạo cơ sở quan trọng để hệ thống chính quyền từ tỉnh tới cơ sở được sắp xếp lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các cơ quan hành chính nhận được sự tín nhiệm, hài lòng cao của người dân, doanh nghiệp.
Chính quyền các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy chế làm việc, quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh. Đồng thời có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành được nâng cao theo hướng gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. Chất lượng quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của UBND các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh trong điều kiện có nhiều thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh.
HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động đảm bảo thực chất, toàn diện, đồng bộ, vừa đảm bảo lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, vừa đáp ứng đúng quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn địa phương. Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri; tiếp nhận, chuyển tải các kiến nghị, đề xuất và thường xuyên đôn đốc, giám sát giải quyết đến cùng các kiến nghị chính đáng của cử tri; tham gia ý kiến, thảo luận việc xây dựng chính sách pháp luật, nhiều nội dung được Quốc hội tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao.
Để xây dựng niềm tin cho nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung vào chỉnh sửa lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sát dân, gần dân. Đồng thời nghiêm túc đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền. Tỉnh đổi mới cách thức giao nhiệm vụ cho tập thể, cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn cụ thể. Rà soát, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị; phát hiện những vấn đề mới phát sinh để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục…
Tỉnh không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và luôn nỗ lực vươn lên giành vị trí đứng đầu cả nước trong các bảng xếp hạng đánh giá về năng lực điều hành cấp tỉnh. Năm 2022 lần thứ 2 Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc cả 4 Chỉ số PCI, SIPAS, PAR Index, PAPI; trong đó 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân PCI; 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2022); 4 năm dẫn đầu Chỉ số PAR Index (2018-2020 và 2022).
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()