Tất cả chuyên mục

Bước tiến quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá công tác quản lý nhà nước về đất đai là hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, hạ tầng thông tin về đất đai cùng tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, đa mục tiêu. Cụ thể hoá mục tiêu này, tháng 8-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1982/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai TP Uông Bí và TP Cẩm Phả với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả đạt được của hai địa phương trên, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành công tác xây dựng CSDL đất đai trong phạm vi toàn tỉnh.
![]() |
Người dân đến làm thủ tục về tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Hành chính công TP Cẩm Phả. Ảnh: Hải Ninh (Đài Cẩm Phả) |
Dự án xây dựng CSDL đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm chủ đầu tư; dự án nhằm xây dựng CSDL đất đai TP Uông Bí và TP Cẩm Phả là một CSDL thống nhất, tích hợp, hoàn thiện, lưu trữ đầy đủ các nội dung, thông tin, dữ liệu phục vụ khai thác sử dụng cho nhiều mục đích. Theo đó, CSDL đất đai sẽ tập hợp thông tin có cấu trúc dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên. Dự án gồm 2 phần chính: Dữ liệu không gian bao gồm toàn bộ các mảnh bản đồ địa chính của các xã, phường phủ kín diện tích tự nhiên của 2 thành phố, bản đồ giá đất, quy hoạch sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất. Đối với dữ liệu phi không gian bao gồm thông tin về thửa đất, hồ sơ đất đai và thông tin về giá đất. CSDL đất đai sẽ ứng dụng các phân hệ bao gồm: Đăng ký cấp giấy chứng nhận và chỉnh lý biến động - LRC, quản lý nghiệp vụ và luân chuyển hồ sơ - PMD; xây dựng và quản lý bản đồ giá đất - REV; công khai hoá thông tin đất đai; thiết kế quy trình - PE; quản trị hệ thống - CP; quản lý thông tin đất đai cấp xã; quản lý quy hoạch sử dụng đất - LAP; thống kê, kiểm kê đất đai - LSI. Tất cả các thông tin trên đều được cập nhật trên máy tính, do đó cán bộ địa chính chỉ cần nhấp chuột là có thể kiểm soát được thông tin về đất đai trên địa bàn quản lý. Triển khai dự án, Sở TN&MT đã trang bị thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại cho các địa phương: Máy chủ đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, máy tính xách tay phục vụ quản trị hệ thống, máy tính để bàn, phần mềm thương mại cho các địa phương.
Đến thời điểm này dự án đã cơ bản hoàn thành góp phần hoàn chỉnh hệ thống tư liệu bản đồ, hồ sơ địa chính của địa phương. Một số nội dung chính đã hoàn thành như: Điều tra thu thập các tài liệu ban đầu, rà soát các biến động đất đai; xác định và hoàn thiện bản mô tả mốc giới thửa đất; đo đạc thành lập bản đồ địa chính khu vực dân cư... Bên cạnh đó, đo đạc thành lập mới và chỉnh lý bản đồ địa chính ngoài khu vực dân cư gắn với công tác kê khai đăng ký cấp đổi, cấp mới, đăng ký biến động theo quy trình đã được các địa phương thực hiện lồng ghép các bước của Bộ TN&MT. Qua việc triển khai công tác thực hiện tại Uông Bí và Cẩm Phả đã khẳng định phần mềm này ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự gần gũi, thân thiện và linh hoạt với người sử dụng nhất là đối với công tác quản lý tại địa phương. Đồng thời, CSDL đất đai đã chứng tỏ được hiệu quả trong công tác nhà nước về đất đai và tài sản gắn liền, bảo đảm việc cung cấp tiện lợi thông tin đất đai. Đồng chí Tạ Thuý Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Cẩm Phả, cho biết: Dự án xây dựng CSDL đất đai của TP Cẩm Phả được đưa vào hoạt động từ tháng 4-2014. 100% các hồ sơ thuộc thẩm quyền của văn phòng đều được áp dụng phần mềm Elis giải quyết. Trước đây, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch sử dụng đất, quản lý bản đồ giá đất… phải thuê tư vấn, thì nay được tích hợp trong hệ thống, giảm thiểu tối đa chi phí và thời gian. Các cán bộ và tiến tới là người dân chỉ cần kích chuột trên hệ thống máy tính là có thể thấy được toàn bộ lịch sử, vị trí, diện tích, hiện trạng… của mảnh đất.
Có thể thấy, việc xây dựng CSDL đất đai, tiến tới việc số hoá quản lý dữ liệu đất đai ngay trong bản đồ sẽ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, phát huy được giá trị đất đai trong các giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nội dung dự án tại TP Cẩm Phả và TP Uông Bí nói riêng tiến tới toàn tỉnh nói chung cũng có những khó khăn nhất định. Trước tiên, đây là dự án có nhiều nội dung mới và phức tạp, phải thực hiện đồng bộ từ đo đạc, thành lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ, kê khai đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận gắn với rà soát, cập nhật toàn bộ các biến động đất đai... Từ đó, xây dựng mới hoặc hoàn thiện lại hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL theo các phần mềm chuẩn và công nghệ được Bộ TN&MT cho phép sử dụng. Vì vậy, khối lượng công tác chuyên môn phải thực hiện tại một địa bàn thường rất lớn, thời gian kéo dài. Một khó khăn nữa hiện hai đơn vị trực thuộc Sở TN&MT là Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai chưa được kết nối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh. Do đó, việc nắm bắt thông tin sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai nói chung. Vì vậy, Sở TN&MT mong muốn được UBND tỉnh cho phép đầu tư hệ thống mạng Wan kết nối từ Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đến 2 đơn vị trên của Sở. Qua đó, khai thác có hiệu quả CSDL đất đai phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai của tỉnh.
Trang Thu
Ý kiến ()