Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:37 (GMT +7)
Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở
Thứ 5, 25/04/2024 | 18:51:48 [GMT +7] A A
Ngày 25/4, tại TP Hạ Long, 2.500 đại biểu là cán bộ chủ chốt, công chức của 177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội nghị này trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm và sâu sát cơ sở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với hệ thống chính trị ở cơ sở. Mục tiêu cao nhất là hướng đến xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đội ngũ CBCC cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của địa phương.
"Cầu nối" giữa Đảng với nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cấp xã là cấp gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được thì mọi việc đều xong xuôi. Hệ thống chính trị ở cấp xã là “cầu nối” trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Chính quyền cấp xã là nơi trực tiếp tổ chức và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân; là nơi trực tiếp thực hiện các quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân đi vào cuộc sống…
Nhận thức rõ được vai trò quan trọng đó, suốt những năm qua, tỉnh luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN. BTV Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo tổ chức hàng trăm chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở với 2.500 cán bộ cấp xã tham dự. Thông qua đó góp phần tạo sự thống nhất, thông suốt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của BTV Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ cấp xã.
Đồng chí Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), cho biết: Lần đầu tiên được tham dự một hội nghị quy mô lớn giữa BTV Tỉnh ủy với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã trong toàn tỉnh, tôi rất phấn khởi. Tôi cũng như đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thấy rõ sự quan tâm sâu sát, coi trọng chất lượng hệ thống chính trị cấp xã của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Hội nghị đã giúp chúng tôi nhận diện được bức tranh KT-XH của tỉnh, thắng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có những định hướng, gợi mở để giúp đội ngũ cán bộ cấp xã phát huy năng lực, trách nhiệm, tháo gỡ những bất cập còn tồn tại.
Đồng chí Triệu Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cao Xanh (TP Hạ Long), cho biết: Nhiều năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, cấp ủy, chính quyền phường đã linh hoạt trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện, giải quyết được nhiều vấn đề về công tác chăm lo an sinh xã hội, lĩnh vực đất đai, xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn… Đặc biệt, phường đã đổi mới trong công tác xây dựng Đảng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu. Trong công tác tiếp dân, lãnh đạo phường không chỉ tiếp dân định kỳ vào thứ 5 hằng tuần, mà sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết mọi kiến nghị của người dân hằng ngày. Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, phường không tệ nạn, không ma túy. Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe, chia sẻ và giải đáp những vướng mắc của phường. Qua đó gợi mở cho đội ngũ cán bộ cơ sở chúng tôi nhiều cách làm trong công tác điều hành cũng như tiếp xúc, giải quyết các vấn đề trong nhân dân. Đây thực sự là một hội nghị rất ý nghĩa và thiết thực.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy cấp huyện đã chỉ đạo cấp ủy cấp xã tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đồng thời huy động tổng thể các nguồn lực để phát triển KT-XH. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng còn một số bất cập, vướng mắc.
Tại hội nghị, ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu, tập trung làm rõ thực trạng năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó đã chỉ ra chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt còn yếu kém; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có mặt còn hạn chế. Nhiều đơn vị triển khai chưa toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định; chất lượng nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cấp cơ sở còn hạn chế.
Đặc biệt, việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn lúng túng; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Năng lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở một số địa phương còn hạn chế, nhất là quản lý nhà nước về quy hoạch, trật tự đô thị, quản lý đất đai, tài chính, tài sản công, quản lý phát triển xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã một số nơi chưa quan tâm đúng mức, chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết đơn thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn vi phạm.
Nhiều ý kiến đã chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; đồng thời đưa những định hướng, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phổ biến, điển hình trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở; quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài chính, tài sản công. Qua những chia sẻ, nhận xét, đánh giá và định hướng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giúp cấp ủy, chính quyền cấp xã, nhất là người đứng đầu, nêu cao tinh thần tự soi, tự sửa, phê bình và tự phê bình; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, công tác quản lý nhà nước tại địa phương để hướng đến vì hạnh phúc nhân dân, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Qua lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh vị trí, vai trò của hệ thống chính trị cấp xã đối với sự phát triển bền vững địa phương là rất quan trọng. Những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay có sự đóng góp không nhỏ của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Phát huy những kết quả đạt được, đồng chí yêu cầu bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị cấp xã, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới nội dung, phương thức và cơ chế lãnh đạo của tổ chức đảng, cấp ủy đảng ở xã, phường, thị trấn đối với hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp xã; kiên quyết không để xảy ra tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương. Nhất là không để tình trạng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân...
“Quán triệt, thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã phải lấy lợi ích thiết thực của người dân trên địa bàn, thước đo cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi con người làm mục tiêu phấn đấu, trách nhiệm hàng đầu, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh.
Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()