Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:24 (GMT +7)
Xây dựng Hải Hà thành huyện công nghiệp, dịch vụ
Thứ 7, 11/12/2021 | 07:06:48 [GMT +7] A A
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Hồ Đức Quang trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh nhân kỷ niệm 20 năm thành lập huyện 1/11 (2001-2021).
- Xin ông cho biết về bối cảnh KT-XH của Hải Hà trong thời điểm mới thành lập năm 2001?
+ Khu vực huyện Hải Hà ngày nay, trước đây thuộc châu Hà Cối. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, châu Hà Cối được chia thành 2 huyện Đầm Hà và Hà Cối. Năm 1969, hai huyện hợp nhất thành huyện Quảng Hà. Xuất phát từ yêu cầu phát triển trong thời kỳ đổi mới, ngày 29/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP tách huyện Quảng Hà thành 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà. Huyện Hải Hà chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/11/2001.
Ở thời điểm đó, huyện Hải Hà có xuất phát điểm là địa bàn thuần nông, đồng thời phải đối mặt với không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, hạ tầng KT-XH đến nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, sản lượng thấp. Cụ thể, cơ cấu kinh tế của huyện chiếm hơn 80% là nông - lâm - ngư nghiệp; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm chỉ đạt từ 3-5%; thu nhập bình quân đạt mức 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, đói của huyện chiếm trên 18% dân số, tập trung ở khu vực dân cư sinh sống tại vùng sâu, vùng cao, điều kiện nhiều thiếu thốn do đặc thù địa lý, tập quán lạc hậu...
Mặc dù xuất phát điểm không có nhiều thuận lợi, song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền huyện Hải Hà đã khẩn trương xác định đúng chiến lược phát triển, từng bước tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc, mở hướng phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế. Quá trình này huyện luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, tạo điều kiện của MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và đặc biệt là huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân địa phương.
- Sau 20 năm thành lập, huyện Hải Hà đã khởi sắc ra sao, thưa ông?
+ Trong giai đoạn 2001-2010, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích sản xuất, tích cực ứng dụng cơ giới, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các giống có năng suất, chất lượng cao... Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dần tăng nhanh về số đơn vị, giá trị sản lượng, thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư, hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, mức tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đã nhanh chóng ổn định ở con số 12%/năm, tăng gần 4 lần so với năm 2001; thu ngân sách tăng 3,6 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 lần...
Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện hằng năm đạt 26,18%, thu ngân sách tăng bình quân 13,68%/năm. Đến nay, cơ cấu kinh tế của Hải Hà đã chuyển dịch mạnh mẽ. Ngành công nghiệp - xây dựng giờ đây chiếm tỷ trọng tới 53,2%, thương mại - dịch vụ chiếm 38,6%, nông - lâm - ngư nghiệp 8,2%. Mức thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 76 triệu đồng/năm, gấp 15 lần so với thời điểm thành lập huyện. Toàn huyện chỉ còn 1,5% dân số thuộc diện hộ nghèo; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Sự bứt phá mạnh mẽ của kinh tế đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho địa phương, củng cố an ninh - quốc phòng vững vàng và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đặc biệt, huyện đã khẩn trương xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh riêng có để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trên địa bàn huyện có KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh là KKT Cửa khẩu cấp quốc gia trên biên giới Việt - Trung. KCN Cảng biển Hải Hà thì có vị trí kết hợp với KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái để trở thành cụm kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc của tỉnh và vùng duyên hải Bắc Bộ. Khu vực ven biển Hải Hà và lân cận nằm trên vành đai vịnh Bắc Bộ và 2 hành lang đi Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn và quan trọng trong việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, kết hợp với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa 2 nước. Hải Hà cũng có điều kiện địa chất, địa hình thuận lợi cho xây dựng các công trình hạ tầng, công nghiệp và dân dụng quy mô lớn; lợi thế về lao động, quỹ đất và cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng lớn trong phát triển du lịch dịch vụ...
Như vậy, trong bức tranh chung của toàn tỉnh, Hải Hà có những lợi thế cạnh tranh vượt trội, được xác định là một trong 2 “điểm đột phá” quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt là được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mối hành lang kinh tế Việt - Trung.
- Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, trong thời gian tới, Hải Hà có những giải pháp gì, thưa ông?
+ Nhận diện được những thế mạnh nêu trên, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Hải Hà xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu: Xây dựng Hải Hà trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ với hạ tầng KT-XH đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025.
Đứng trước nhiều cơ hội mới của sự phát triển, huyện xác định giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung cơ cấu lại công nghiệp theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ tại KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh; khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng dịch vụ bán lẻ; thu hút nhà đầu tư, phát huy giá trị tài nguyên du lịch; từng bước phát triển dịch vụ logistics.
Địa phương cũng sẽ huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển kinh tế biển, hoàn thiện hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn. Cụ thể gồm các nhiệm vụ về quy hoạch mở rộng, xây dựng thị trấn Quảng Hà trở thành đô thị hiện đại gắn với KCN cảng biển. Đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đảm bảo Hải Hà cơ bản đạt các tiêu chí là đô thị loại III vào năm 2025, phấn đấu Hải Hà - Móng Cái là đô thị loại I trước năm 2030. Những công trình trọng điểm, động lực trên địa bàn huyện, như: Tuyến đường ven biển Hải Hà - Móng Cái; quần thể dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp Cái Chiên - Vĩnh Thực; cửa khẩu Bắc Phong Sinh; hạ tầng cảng biển, bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miều, Cái Chiên... cũng sẽ được chú trọng đầu tư để tạo kết nối vùng, liên vùng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, Đảng bộ huyện tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo, tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc, thực hiện quyết liệt các giải pháp về phòng chống dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng. Với truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, tin tưởng rằng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hải Hà sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng để xây dựng huyện phát triển toàn diện hơn nữa trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()