Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:27 (GMT +7)
Xây dựng huyện đảo Cô Tô phát triển về kinh tế, vững chắc vị trí tiền đồn bảo vệ tổ quốc "từ sớm, từ xa"
Thứ 2, 25/03/2024 | 17:01:15 [GMT +7] A A
Huyện đảo Cô Tô tọa lạc ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, “phên giậu” vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu về địa - chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Sở hữu vùng biển rộng lớn, với đường biên giới biển gần 200km, Cô Tô cùng với huyện đảo Bạch Long Vĩ và chuỗi đảo ven bờ tạo thành ba cụm chính, kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam như “cánh cung sơn văn” trên biển; tạo thành vành đai, tiền đồn trọng - trấn bảo vệ cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc. Với lịch sử thành tạo địa chất hơn 400 triệu năm, Cô Tô sở hữu cảnh sắc thiên tạo huyền ảo, hình thế địa linh “biển bạc non ngàn” vừa có giá trị chứng nhân lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh hải của dân tộc Việt Nam, vừa có giá trị sinh dưỡng, bảo tồn và phát triển kinh tế.
Giá trị độc đáo của Cô Tô là sự đan xen giữa đặc trưng riêng có của cấu trúc thiên nhiên và chiều sâu hồn cách của một vùng đất bản lĩnh, kiên định, mặn mòi và hồn hậu, được khắc họa qua niềm vinh dự và tự hào là nơi duy nhất trong cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép kiến dựng tượng của Người lúc sinh thời; Cột cờ chủ quyền tỉ lệ 1:1 với Cột cờ tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội sừng sững giữa trùng khơi; 74 hòn đảo lớn nhỏ như “bản mô tả đầy đủ và quý hiếm” về lịch sử phát triển địa hình khu vực; qua trận chiến Đồn Cao của Đại đội Ký Con biểu tượng cho tinh thần quả cảm, sẵn sàng hi sinh vì Tổ Quốc; qua những giọt mồ hôi, máu và nước mắt của biết bao thế hệ bám biển, giữ đảo bằng tinh thần kiên định, bản lĩnh kiên cường và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng Tổ Quốc.
Sự kiện thành lập huyện Cô Tô là kết tinh của chu trình vận động lâu dài về hành chính, lãnh thổ, dân cư và văn hóa, từ khi Cô Tô chỉ là vùng cư - trú ngụ của ngư dân vùng Đông Bắc với tên cổ Chàng Sơn, đến khi lập làng Hướng Hóa, xây đồn bảo dưới thời Nguyễn; từ giai đoạn bị áp bức bóc lột thời Pháp thuộc, khi là một tổng thuộc châu Hà Cối, phủ Hải Đông, tỉnh Hải Ninh, đến giờ phút hân hoan, được giải phóng thành lập chính quyền hai xã Thanh Lân, Cô Tô thuộc huyện Móng Cái năm 1954. Trải qua quá trình thay đổi địa giới hành chính, ngày 23/3/1994, huyện Cô Tô chính thức được thành lập.
Đặt trong dòng chảy mấy nghìn năm lịch sử của đất nước và hơn 60 năm xây dựng, phát triển của tỉnh Quảng Ninh, chặng đường 30 năm của huyện Cô Tô không quá dài nhưng đủ để các thế hệ cán bộ, quân, dân huyện Cô Tô tự hào. Thời điểm trước năm 2013, khi Cô Tô chưa có điện lưới, thiếu nước ngọt, điều kiện vô cùng khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông cách trở; người dân Cô Tô hầu hết có nguồn gốc dân “kinh tế mới” di dân vào những năm 1979, 1991 từ 14 tỉnh ven biển trong cả nước; với đa dạng quê quán, vùng miền. Họ đều là những người lam lũ, vất vả, đời sống ở quê nhà thiếu thốn mang theo hành trang là niềm tin, khát vọng sống, cống hiến và dùng sức người “biến sỏi đá hóa thành cơm”.
Sự kiện đóng điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân (năm 2013), Đảo Trần (02/9/2020); cùng việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng lưỡng dụng đã tháo gỡ các khó khăn về “Giao thông – nước ngọt - điện”; tạo tiền đề để Cô Tô trở thành một phần của “vùng động lực” theo định hướng tổ chức không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh; bộ mặt, diện mạo, hình ảnh của Cô Tô đã thay đổi từng ngày và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Huyện Cô Tô luôn bám sát các chủ trương của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh Quảng Ninh để chủ động, sáng tạo, có quyết sách phù hợp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cô Tô là huyện đảo Nông thôn mới đầu tiên trong cả nước (năm 2015) và cơ bản đạt huyện Nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 130 triệu đồng/người năm 2023. Du lịch, dịch vụ phát triển vượt bậc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế; lượng du kháh không ngừng gia tăng qua từng năm, Cô Tô đón trên 320.000 khách năm 2023. Cô Tô đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng – biển, phát triển bền vững và phấn đấu hướng tới mục tiêu Cô Tô không tội phạm, không rác thải nhựa.
Là địa bàn chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ; Cô Tô là lá chắn thép, nhiều tầng, nhiều lớp về quốc phòng, an ninh, quân và dân huyện Cô Tô đoàn kết, kiên định, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phát triển bền vững kinh tế xã hội vừa đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh; hoàn thành tốt nhiệm vụ là tiền đồn bảo vệ tổ quốc "từ sớm, từ xa"; giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo.
Thực hiện lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Huyện Cô Tô đã tập trung xây dựng nếp sống văn hóa; quan tâm kiến tạo, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa biển đảo; kiến thiết xây dựng các thiết chế văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên, đặc biệt năm 2024, lần đầu tiên huyện Cô Tô tổ chức thành công Lễ hội Mở cửa biển, Lễ hội đua thuyền kết nối 12 huyện đảo từ Cô Tô đến Phú Quốc, đáp ứng được mong cầu của Nhân dân bao đời trên đảo và thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách.
Phấn khởi, tự hào với thành tựu đạt được, trong không khí kỷ niệm trọng thể này, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã căn dặn người dân Cô Tô “đoàn kết, cố gắng, tiến bộ” để phát triển lâu dài. Chúng ta đời đời khắc ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ đi trước đã đổ xương máu, mồ hôi, công sức bảo vệ, gìn giữ, xây dựng vùng biển đảo tươi đẹp này. Chúng ta tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ huyện Cô Tô. Trân trọng và luôn ghi nhớ công lao, trí tuệ, tâm huyết, sức sáng tạo, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của quân và dân các dân tộc huyện Cô Tô, của đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ- những người đã tận tâm, tận hiến vì vùng biển đảo này.
30 năm trước, lịch sử đã lựa chọn, trao gửi sứ mệnh thiêng liêng gìn giữ, xây dựng và phát triển quần đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, hôm nay, chúng ta trân trọng, tự hào, đồng thời có trách nhiệm viết tiếp những trang sử mới hào hùng, đậm dấu ấn về sự quật cường, kiên định và niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước. Chúng ta vững tin với nghị lực, quyết tâm, sự đồng lòng và thành quả của chặng đường 30 năm sẽ là tiền đề để huyện đảo tràn ngập sức sống mới, khí thế mới, với tầm vóc mới, tạo niềm tin vững bước đi tới tương lai. Trong các chặng đường phát triển tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện đảo mong muốn tiếp tục được đón nhận sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở ngành, địa phương; sự đồng hành của các doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chung tay xây dựng và phát triển Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, Nhân dân khá giả, trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao; khối phòng thủ vững chắc để bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng mà ông, cha bao đời dựng xây, gìn giữ.
Nguyễn Việt Dũng (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô)
Liên kết website
Ý kiến ()