Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 15:35 (GMT +7)
Xây dựng luật và thi hành luật
Thứ 4, 17/06/2009 | 05:25:53 [GMT +7] A A
Vừa rồi TP Hạ Long phát động phong trào “5 không” để đảm bảo vệ sinh, an toàn, trật tự đô thị. Đó là: Không lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép; không lấn chiếm lòng đường vỉa hè, nơi công cộng; không vi phạm trật tự ATGT; không vứt rác ra đường và không bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch. Ngay sau đó đã có ý kiến phản hồi: Thành phố phải cam kết có nhà vệ sinh công cộng, có thùng rác công cộng, không được quy hoạch treo... thì người dân mới có cơ sở thực hiện “5 không”.
Việc TP Hạ Long phát động “5 không” mới chỉ yêu cầu người dân thi hành mà chưa thấy rõ trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ công chức. Đây là ví dụ cụ thể cho cách tư duy phiến diện xây dựng luật và thi hành luật cần chấn chỉnh.
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh đang được Quốc hội thảo luận cho thấy rõ vẫn còn có cách tư duy một phía như ví dụ trên. Bác sĩ, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho biết dự luật có 81 điều thì chỉ có 11 điều có quy định liên quan đến người bệnh.
Thực tế hiện nay, khi vào bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thường có tâm lý hoang mang, “trăm sự nhờ thầy thuốc”, trong khi không ít thầy thuốc thì phán như “thầy bói”. Chi phí cho chụp cắt lớp là khoảng tiền không nhỏ, nhưng bác sĩ lại nói: Chụp cũng được mà không chụp cũng được, nhưng không chụp mà bệnh nhân có làm sao thì chúng tôi không chịu trách nhiệm! Rồi kết quả chụp hình ảnh, xét nghiệm ở bệnh viện này lại không được công nhận ở bệnh viện khác, gây phiền hà và tốn kém cho người dân. Có người cho rằng, “con bệnh” đã đến bệnh viện thì họ phải “chạy hết công suất” các hệ thống máy móc để tận thu. Và mục đích chữa bệnh đã nghiêng sang mục đích kinh tế. Phải chăng đây cũng là một lý do gây ra tình trạng bội chi quỹ Bảo hiểm y tế tự nguyện? Do đó, tới đây luật phải quy định rõ trách nhiệm của thầy thuốc và bệnh viện đi đôi với quy định rõ quyền lợi của bệnh nhân.
Được biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật Báo chí sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm 2010. Trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin phải được cụ thể hơn để đảm bảo quyền được thông tin của người dân. Trong thi hành luật, cùng với việc xem xét trách nhiệm của nhà báo, của cơ quan báo chí thì phải đồng thời xem xét trách nhiệm của người phát ngôn, của các cơ quan có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho báo chí.
Xây dựng luật và thi hành luật phải đảm bảo tính toàn diện các đối tượng mà luật đề cập, nếu không sẽ sa vào tình trạng phiến diện “5 không” của TP Hạ Long.
Liên kết website
Ý kiến ()