Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:56 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp: Hiện đại - bền vững - hiệu quả và hội nhập
Thứ 7, 26/03/2022 | 07:31:06 [GMT +7] A A
Thay đổi tập quán sản xuất, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ... đang là những giải pháp được ngành nông nghiệp Quảng Ninh đẩy mạnh áp dụng. Đây được xem là hướng đi tất yếu, nâng tầm nền nông nghiệp hiện đại, ngày càng cho hiệu quả cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
Từ bước chuyển trong phương thức sản xuất
Với trên 2ha trồng thanh long, từ cuối năm 2020, gia đình ông Đoàn Quang Ngọc, khu 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí, đã ứng dụng đèn để chiếu sáng bổ sung cho diện tích thanh long của gia đình. Bằng phương thức canh tác này vườn thanh long của gia đình ông cho thu hoạch nhiều vụ hơn trong một năm.
Ông Ngọc cho biết: Do khí hậu miền bắc có mùa đông nên cây thanh long vào mùa này chậm ra hoa, kết quả hơn. Nhờ ứng dụng công nghệ chiếu sáng bổ sung giúp gia đình tôi có thể chủ động điều chỉnh được thời điểm ra hoa, phát triển quả của cây thanh long. Qua đó, giúp tăng lứa quả/năm, đồng thời rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch đến các tháng cuối năm và thu hoạch sớm vào vụ đầu năm sau, giúp nâng cao giá thành sản phẩm hơn so với chính vụ. Hiện nay, vườn thanh long đã cho thu hoạch 4 lứa/năm, gồm 2 lứa sớm và 2 lứa muộn; cho doanh thu cao hơn từ 100-200 triệu đồng/ha/năm so với diện tích không sử dụng chiếu sáng bổ sung trước đây.
Những năm gần đây, ổi Hoành Bồ đã trở thành một thương hiệu được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, do vậy để nâng cao chất lượng cho sản phẩm, người nông dân TP Hạ Long cũng tích cực áp dụng những kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất. Tại xã Sơn Dương, địa phương có số hộ trồng ổi nhiều nhất trên địa bàn, các hộ đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đào tạo, tập huấn đầy đủ về các nội dung trong quy trình sản xuất VietGAP như: Nhận thức chung về tiêu chuẩn; hướng dẫn bảo vệ môi trường; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...; đối với các mẫu đất, nước và sản phẩm được mang đi phân tích mối nguy về sinh học, vật lý, hóa học.
Ông Vi Văn Tuyên, thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, chia sẻ: Chúng tôi áp dụng kỹ thuật cắt tỉa để kích thích, tạo quả rải vụ thu hoạch liên tục. Bên cạnh đó, là áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ bảo vệ môi trường và chất lượng quả. Nhờ vậy, đến nay sản lượng, chất lượng ổi đều được nâng cao, nguồn tiêu thụ cũng được đảm bảo giúp người trồng chúng tôi yên tâm sản xuất và có nguồn thu nhập ổn định.
Hay như tại TX Quảng Yên, để giúp người dân quản lý tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi tôm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với TX Quảng Yên triển khai mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Semi-Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm. Với mô hình này, các hộ dân tuân thủ quy trình kỹ thuật từ thiết kế hạ tầng ao nuôi, ao lắng, ao dèo, ao chứa chất thải cho đến sử dụng chế phẩm sinh học và kiểm soát chặt chẽ thức ăn theo từng giai đoạn, nhất là giai đoạn dèo tôm đảm bảo được mật độ của floc (những tế bào vi khuẩn có lợi kết dính tạo thành khối lơ lửng trong môi trường nước). Qua đó, đảm bảo tăng cường sức đề kháng và đạt tỷ lệ đầu con cao nhất cho tôm trước khi chuyển sang giai đoạn ao nuôi.
Theo ông Đỗ Hồng Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Quảng Yên, nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi tôm, kích cỡ tôm trung bình đạt 18g/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 85%, sản lượng đạt 20 tấn/ha. Nhờ rút ngắn được thời gian nuôi, tỷ lệ sống trung bình lớn, năng suất, sản lượng tăng trên một đơn vị diện tích nên mô hình đã cho hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với nuôi tôm thông thường. Qua đó cho thấy việc ứng dụng KHKT vào sản xuất là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị trên mỗi diện tích sản xuất.
Ngoài những mô hình kể trên, hiện nay những mô hình chuyển giao KHKT mới cũng được người nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai như: Mô hình nuôi bò lai sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; mô hình trồng cây giổi lấy hạt bằng cây ghép tại Ba Chẽ; phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên; trồng rau thuỷ canh... Thông qua việc đầu tư KHCN, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản.
Đến hướng phát triển toàn diện, hiện đại
Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tính riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt 4,51%, chiếm 5,5% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, cao hơn kịch bản của ngành, của tỉnh đề ra, cao nhất trong 3 năm gần đây. Nông nghiệp cũng mang về gần 25.000 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập của nông dân trên 51 triệu đồng/người/năm.
Tất cả các chỉ tiêu đề ra của ngành nông nghiệp đều hoàn thành vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao như: Diện tích trồng rừng tập trung tăng 25,41%; sản lượng khai thác gỗ tăng 38%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 12%; tổng sản lượng thủy sản tăng 7%; tổng diện tích gieo trồng hàng năm tăng 1,7%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 0,7%; tỷ lệ diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 85%...
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, kết quả sản xuất nông nghiệp là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả của tỉnh. Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại.
Đơn cử như việc tiếp cận KHKT và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung... qua đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác; trên 2.500 máy tuốt đập; 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân.
Toàn tỉnh, hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Qua việc đầu tư khoa học - công nghệ, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra các thị trường lớn trong nước, như: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau, củ, quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều)...
Hiện trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng sản phẩm nông sản Quảng Ninh ngày càng được nâng cao và có vị trí ổn định trên thị trường tiêu thụ. Đã có 150ha lúa (Đông Triều), gần 80ha sản xuất rau (Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà...), trên 47ha chè (Hải Hà), 311ha na (Đông Triều), 395ha vải (Đông Triều, TP Uông Bí), 51ha cây có múi (Vân Đồn, Hải Hà...) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh đó, bám sát xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang có những bước chuyển tích cực về ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hoá trong sản xuất, tiêu thụ. Đến nay, Sở NN&PTNT đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.
Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản thực phẩm của thành phố Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT. Qua các trang điện tử, Sở NN&PTNT đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; gắn các vùng sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành các điểm làm nông nghiệp trải nghiệm. Qua đó, tạo hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()