Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:14 (GMT +7)
Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện
Thứ 6, 08/03/2024 | 07:48:45 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh biên giới khu vực phía Bắc có dân số khoảng 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm trên 49% tổng dân số. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của tỉnh trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ và nhân dân Quảng Ninh ngày càng được nâng cao, các mặt công tác phụ nữ có nhiều tiến bộ rõ nét.
Đặc biệt, Quảng Ninh rất chú trọng thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Trong đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Các cấp, các ngành đã nâng cao nhận thực về vai trò, vị trí của phụ nữ về bình đẳng giới. Trên địa bàn tỉnh, phụ nữ được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, góp phần rất quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh có tri thức, đạo đức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện” gắn với phát huy phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quảng Ninh thời kỳ mới. Đồng thời, quan tâm xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho phụ nữ. Điển hình là 100% các cơ sở Hội thành lập 1.382 câu lạc bộ, mô hình trong xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; tổ chức hiệu quả phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe”… Đến nay, trên toàn tỉnh đã thành lập 492 Câu lạc bộ “Bóng chuyền hơi”, 12 Câu lạc bộ “Dưỡng sinh cho phụ nữ”, 40 Câu lạc bộ “Văn nghệ - thể thao”, 11 Câu lạc bộ “Bóng đá nữ”, 114 Mô hình “Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ”, 590 Câu lạc bộ “Nhảy dân vũ, khiêu vũ”, ngoài ra đang phát triển và nhân rộng 28 Câu lạc bộ bao gồm: Yoga; ca hát gia đình yêu thương; phụ nữ phòng, chống tảo hôn... Qua đó, đã góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh có tri thức, sức khỏe, tạo thành nếp sống văn hóa lành mạnh ở gia đình, cộng đồng dân cư.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, đội ngũ cán bộ nữ nói riêng được tỉnh hết sức quan tâm gắn với chủ trương chung của tỉnh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã cử 381 cán bộ, công chức nữ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị (trên tổng số 1.157 học viên, chiếm 32,93%); cử 190 đồng chí cán bộ nữ đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn của tỉnh (trên tổng số 538 học viên, chiếm 35,32%); cử 489 đồng chí cán bộ nữ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài theo chương trình Đề án 293 của tỉnh và Đề án 165 Trung ương (trên tổng số 1.347 học viên, chiếm 36%); cử 68 đồng chí nữ trên tổng số 332 đồng chí đi bồi dưỡng quốc phòng - an ninh đối tượng 1, 2 (chiếm 20,48%). Ngoài ra, mỗi năm còn cử hàng trăm lượt cán bộ nữ đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, bồi dưỡng ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế.
Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân, Gia đình, Luật Trẻ em và các chính sách về an sinh xã hội, chính sách tín dụng, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình… Đồng thời, quan tâm công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ nghèo, khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình…
Các cấp Hội phụ nữ tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Đặc biệt là chủ động đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, xây dựng gia đình hạnh phúc… Tổ chức Hội ngày càng được củng cố và phát triển, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, thực sự đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị về công tác vận động phụ nữ, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()