Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:48 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới bền vững trên nền tảng chủ thể là người nông dân
Thứ 3, 27/07/2021 | 17:21:31 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 không chỉ là xây dựng hạ tầng, cầu, đường, trụ sở... mà phải hướng tới nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế, đặc biệt phải dựa trên nền tảng từ chủ thể là người nông dân thì mới bền vững.
Đạt được kết quả "to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử" nhưng chưa thật sự bền vững
Tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 27/7, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới trong 10 năm qua, cho rằng chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xã hội để thực hiện chương trình.
Qua tổng kết của Chính phủ đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay được thực hiện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò của, người nông dân đã được thể hiện rõ, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh so với 5 năm trước. Đóng góp của khu vực nông thôn, kinh tế nông nghiệp ngày càng quan trọng trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao và giải quyết việc làm, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi tiếp tục cần được quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, chất lượng xây dựng nông thôn mới cũng cần được quan tâm để xây dựng nông thôn toàn diện, bền vững, thực chất hơn, gắn với đô thị hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp hiện đại, phát huy truyền thống và vai trò to lớn của giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề nghị trong triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 cần tính toán, phân bổ nguồn vốn phù hợp cho một xã, nhất là các xã miền núi thuộc các tỉnh phía bắc để xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, bảo đảm tính bền vững, thiết thực, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) kiến nghị, để bảo đảm tính bền vững của mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong bối cảnh mới, theo nguyên tắc “nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể” thì Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần công khai phân cấp sử dụng nguồn lực phù hợp, không dàn trải, cào bằng, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị cần có giải pháp cụ thể hơn để tạo điều kiện sinh kế bền vững bằng các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho các đối tượng được thụ hưởng Chương trình theo nguyên tắc "xây dựng nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể", góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới cần những giá trị mới
Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết câu chuyện bền vững liên quan tới thu của nhập người dân, liên quan tới sinh kế của người dân.
Bộ trưởng nêu việc thời gian qua một số địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thực hiện “xây dựng nông thôn mới” thiên về hạ tầng, xây dựng cầu, đường, trụ sở...nhưng lại thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế.
“Trong thời gian vừa qua, như tôi nói nhiều địa phương, khi có một chương trình gì đó thì bắt đầu nghĩ mình được bao nhiêu vốn, về mình phân công trình gì, nhưng vấn đề về kinh tế hợp tác với vấn đề về sinh kế để cùng với người dân thì cũng chưa được chú ý”, Bộ trưởng nêu.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới cần có những giá trị mới, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiện ích của đô thị, tuy nhiên cần chú trọng hơn những phần mềm, những những giá trị mới.
Một là, phải gắn kết được, cơ cấu lại ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Trong đó, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra được động lực phát triển nông thôn.
“Tôi nghĩ rằng, tư duy chúng ta bắt đầu là tư duy bền vững, là tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường, vì chính chỗ đó mới là bền vững”, Bộ trưởng chia sẻ.
Hai là cần những giá trị mới như xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn.
“Tiện ích thì đô thị, nhưng mà hồn cốt là hình thành không gian sống và không gian sản xuất cả nghìn năm nay, làm sao chúng ta phải xem đó là một tài nguyên để giữ gìn, bên cạnh việc chúng ta tạo ra một hồn cốt mới để đáp ứng nhu cầu của đô thị”, Bộ trưởng diễn giải thêm.
Cùng với đó là những vấn đề nâng cao năng lực cộng đồng của người dân. “Để làm sao người nông dân làm chủ thể thì năng lực đó phải tiếp cận được ánh sáng, tri thức, tiếp cận được những điều mới mẻ, biết hợp tác với nhau, biết làm chủ vận mệnh của mình”, Bộ trưởng gợi ý.
Theo Bộ trưởng, những giá trị như môi trường nông thôn, văn hóa nông thôn, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề về dinh dưỡng người dân nông thôn nói chung và trẻ em nông thôn, chính là những phần mềm tạo ra được một nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững.
“Chúng ta xây dựng nông thôn mới cũng cần phải một nền tảng từ chủ thể là người nông dân thì mới bền vững. Người nông dân được tri thức hóa, được thay đổi thì chúng ta mới có một nông thôn mới phát triển bền vững”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Để xây dựng nông thôn mới bền vững, Bộ trưởng cho rằng trước hết thu nhập, sinh kế và chất lượng sống của người nông dân ở nông thôn cần phải tăng lên, khi đó người nông dân có thể tiếp cận chương trình OCOP, tiếp cận làm du lịch, biết bảo quản, biết chế biến nông sản của mình, biết tìm kiếm thị trường, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, chuyên gia để biết được cách trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi của mình như thế nào...
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()