Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:23 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn thông minh
Thứ 5, 04/11/2021 | 09:55:12 [GMT +7] A A
Những thành quả đạt được trong gần 11 năm thực hiện xây dựng NTM đã và đang là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thắng lợi chương trình này trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân giàu có.
Thành quả một chặng đường
Sau gần 11 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo các vùng nông thôn của huyện Đầm Hà đang ngày một khởi sắc. Một trong những giải pháp quan trọng địa phương tập trung thực hiện là công tác giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống.
Xuất phát điểm thuộc diện khó khăn nhất của huyện Đầm Hà, đến nay xã Quảng Lâm chỉ còn 1 hộ nghèo. Xã phấn đấu cuối năm 2021 không còn hộ nghèo. Để đạt được kết quả này, Quảng Lâm đã triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, sử dụng hợp lý mọi nguồn lực hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp xã có thêm động lực bứt phá mạnh mẽ. Hằng năm, xã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn. Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN... cùng vào cuộc hướng dẫn bà con những mô hình, kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả; hỗ trợ vốn vay tín chấp, hỗ trợ các gia đình khó khăn được xây, sửa nhà để sớm an cư lạc nghiệp...
Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã có hàng chục mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế về lâm nghiệp, nông nghiệp. Những nếp nhà khang trang ngày càng nhiều, sát bên những con đường bê tông rộng rãi và hệ thống điện sinh hoạt phủ kín toàn xã. Quảng Lâm đã thoát khỏi diện 135, hoàn thành xây dựng NTM và đang nỗ lực xây dựng NTM nâng cao.
Không riêng xã vùng cao Quảng Lâm, huyện Đầm Hà có 8/8 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,91 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 0,14%. Toàn huyện có 6/9 xã, thị trấn không còn hộ nghèo. Với những kết quả đạt được, Đầm Hà vừa được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Tương tự, huyện Hải Hà đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Triển khai chương trình xây dựng NTM, Hải Hà đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Trong đó, bằng các nguồn vốn, huyện tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt khu vực nông thôn đạt chuẩn NTM, từng bước tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Trong gần 11 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện đã xây mới và sửa chữa 22 trường học, 9 hội trường kiêm nhà văn hóa xã, 22 nhà văn hóa thôn, bản; bê tông hóa hơn 190km đường, kiên cố hóa 134km kênh mương, 2 lò đốt rác... Đến nay, 10/10 xã của huyện Hải Hà đã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,1 triệu đồng/năm, hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,87%.
Đến nay Quảng Ninh có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Những kết quả đạt được trong hành trình gần 11 năm xây dựng NTM là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục gặt hái thành công trong giai đoạn 2021-2025.
Nông thôn giàu có, thịnh vượng, thông minh
Nhằm thực hiện chương trình xây dựng NTM, thu hẹp nhanh khoảng cách vùng miền, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ngay năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo Nghị quyết, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021-2025. Quy chế này quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, phân công các thành viên theo dõi từng địa bàn, nhằm thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ.
Song song với đó, tỉnh tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đề án bám sát định hướng của Trung ương, với phương châm xây dựng NTM là nhiệm vụ liên tục, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện và tỉnh; người dân được bàn và trực tiếp tham gia.
Trong đó, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác lợi thế của mỗi vùng, miền; bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Đề án quan tâm phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Đặc biệt, ở giai đoạn này, Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, nhằm xây dựng nông thôn thông minh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()