Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 13:12 (GMT +7)
Xây dựng Quốc hội dân chủ, pháp quyền, chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm
Chủ nhật, 01/09/2024 | 12:58:34 [GMT +7] A A
Sáng 2.9.1945, từ Quảng trường Ba Đình rực rỡ nắng vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ mấy tháng sau đó, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, ngày 6.1.1946, toàn dân ta đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Khóa I, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc.
|
Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển
--------
Trong gần 80 năm qua, như đánh giá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, "mỗi khóa Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước".
Bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV trong bối cảnh đất nước đứng trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ do tác động của đại dịch toàn cầu Covid - 19, Quốc hội đã kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, quyết liệt đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Trong đó, chỉ tính riêng trong lĩnh vực lập pháp, Đảng đoàn Quốc hội đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, xác định rõ mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 cùng 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra".
Bám sát các yêu cầu tại Kết luận 19-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể và giao nhiệm vụ cho các cơ quan tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Đây là lần đầu tiên Quốc hội có chương trình lập pháp tổng thể mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ, vừa phản ánh sự đổi mới quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác lập pháp, vừa thể hiện tinh thần “lập pháp chủ động” của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 81, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung 19 nhiệm vụ lập pháp mới, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV lên 156 nhiệm vụ.
Dù số lượng rất lớn và nhiều nhiệm vụ rất khó, rất phức tạp, nhưng tính đến tháng 7.2024, các cơ quan đã hoàn thành 131/156 nhiệm vụ, còn 25 nhiệm vụ đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đạt hơn 83,97% tổng số nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ; các đề án, kế hoạch theo chương trình hành động toàn khóa của Đảng đoàn Quốc hội cũng đã hoàn thành hơn 81,7%... Công tác lập pháp được triển khai với tinh thần chủ động, chuyên nghiệp, bám sát thực tiễn, có nhiều cách làm mới, linh hoạt, hiệu quả, đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng tính từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Đó là ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua quyết sách lập pháp quan trọng, chưa có tiền lệ là Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để đối phó hiệu quả, kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid - 19, góp phần tích cực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Với quyết tâm chính trị rất cao, Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều luật lớn, khó, phức tạp, trong đó "Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại 4 kỳ họp là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Quốc hội. Bởi đây là luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt để xem xét thật thấu đáo về mọi mặt", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.Tinh thần lập pháp chủ động, từ sớm, từ xa được các cơ quan của Quốc hội quán triệt sâu sắc, thể hiện ở việc các cơ quan đều xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm, phân công từng Tiểu ban, từng đồng chí trong Thường trực Ủy ban chủ trì theo dõi tiến độ, nội dung của các dự án luật, nghị quyết ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng hoặc sửa đổi. Với quy trình chặt chẽ, thu thập thông tin, khảo sát thực tế, lấy ý kiến nhiều chiều, huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cử tri và Nhân dân cả nước, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đề cập, phân tích và đánh giá toàn diện, khách quan, sâu sắc, có tính phản biện cao không chỉ về những vấn đề lớn, căn cốt của từng dự án luật, dự thảo nghị quyết mà còn cả về kỹ thuật lập pháp, về tính thống nhất với hệ thống pháp luật...
Đặc biệt, trong quá trình thẩm tra, giải trình tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội đều tuân thủ chặt chẽ yêu cầu đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương: "Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội cũng luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến dù chỉ là ý kiến thiểu số, thậm chí là ý kiến duy nhất để yêu cầu các cơ quan giải trình thuyết phục, bảo đảm giải quyết thấu đáo, đạt được sự đồng thuận cao về các nội dung trình Quốc hội. Có lẽ cũng hiếm có nhiệm kỳ nào lại có nhiều dự luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 100% như từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.
Hơn nửa chặng đường đã qua của nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội đã kế thừa và phát huy cao độ những kết quả, thành tựu của 14 khóa trước đó. Đồng thời, bằng thực tiễn sinh động trong từng hoạt động, Quốc hội đã làm "giàu có" thêm những thành tựu, bài học kinh nghiệm sâu sắc trong thực hiện các chức năng hiến định và sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
"Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"
--------
79 năm qua kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, ở mỗi giai đoạn lịch sử, dù đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang dồn sức, quyết tâm, quyết liệt hành động để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng ta - một nhiệm kỳ Đại hội như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, sẽ là "dấu mốc quan trọng, mốc son mới trên con đường phát triển của đất nước, của dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai"; đồng thời là cơ hội để "phát huy mạnh mẽ thế và lực, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Trong tầm nhìn chiến lược ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: "Kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc; nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới".
Trong đó, "kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước, đặc biệt là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại, hội nhập...
Từ những yêu cầu đó cũng cho thấy những nhiệm vụ hết sức hệ trọng đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Trong bài viết “Thực hiện ý nguyện của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã chỉ ra những định hướng quan trọng về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Theo đó, trong hoạt động lập pháp, Quốc hội tích cực, chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững theo yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW. Quốc hội tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật phát triển, dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật. Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp; phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quy trình lập pháp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật.
Trong hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng hoạt động sau giám sát, bảo đảm hiệu lực pháp lý và thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết về giám sát của Quốc hội. Thiết lập đồng bộ, gắn kết chặt chẽ cơ chế giám sát của Quốc hội với cơ chế giám sát của HĐND các cấp; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giám sát của Nhân dân. Chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Trong hoạt động chất vấn, tiếp tục tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ nội dung chất vấn, cá thể hóa trách nhiệm, tiếp thu ý kiến của cử tri, các thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động chất vấn... Sau hoạt động chất vấn, xây dựng các nghị quyết về chất vấn, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nghị quyết về chất vấn. Tiếp tục hoàn thiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đảm bảo sự ổn định, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đi đôi với việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đổi mới quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.
Trong hoạt động đối ngoại, Quốc hội chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.
Với những định hướng như vậy, với thực tiễn hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng làm nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước trong gần 80 năm qua, trong giai đoạn mới, Quốc hội chắc chắn sẽ tiếp tục hoàn thành trọng trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân để đất nước ta, dân tộc ta viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào của Dân tộc Việt Nam.
Theo Đại biểu Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()