Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:21 (GMT +7)
Xây dựng sản phẩm du lịch mới cho Bạch Đằng
Chủ nhật, 22/05/2022 | 15:35:23 [GMT +7] A A
Ngoài việc lưu giữ các giá trị văn hoá, lịch sử, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng cũng góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Để khai thác tốt hơn tiềm năng sẵn có, TX Quảng Yên tới đây sẽ xây dựng thêm những sản phẩm du lịch mới, độc đáo.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng được công nhận năm 2012 gồm quần thể 11 điểm di tích nằm trên địa bàn TX Quảng Yên và TP Uông Bí. Bạch Đằng còn có các truyền thuyết, thần tích, thần phả, câu đối, đại tự, đặc biệt nhất là lễ hội truyền thống hấp dẫn.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TX Quảng Yên được quy hoạch tổng thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng với 380ha, gồm 11 điểm di tích đình, đền, bãi cọc... Thị xã định hướng phát triển không gian di tích, không gian du lịch, phân khu chức năng theo hướng lấy cụm di tích đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến đò cổ gắn với bãi cọc Yên Giang làm trung tâm, từ đó dẫn du khách tới các di tích khác.
Từ năm 2012, TX Quảng Yên đã phối hợp lập Quy hoạch tổng thể Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2016 có tổng mức đầu tư gần 205 tỷ đồng với mục tiêu nhằm từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng và Quy hoạch chi tiết xây dựng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để dự án phát huy tối đa giá trị di tích, dự án giai đoạn 2 sẽ quan tâm phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch, trong đó đảm bảo có sự gắn kết các điểm di tích với nhau về giao thông và cảnh quan; nghiên cứu xây dựng mới một số hạng mục công trình, như tượng đài, biểu tượng chiến thắng, nhà trưng bày, sa bàn mô phỏng; bổ sung các không gian còn thiếu ở các điểm di tích để phát huy tối đa giá trị di tích gắn với phát triển du lịch theo hướng bảo tàng hóa di tích một cách sống động.
Quảng Yên sẽ xây dựng hệ thống dịch vụ du lịch chất lượng tốt cũng như bảo vệ cảnh quan di tích và rừng ngập mặn lân cận. Tiếp đó khoanh vùng khu vực bảo vệ I gồm 79,47ha, tuân thủ đầy đủ Luật Di sản văn hóa, bảo tồn di tích gốc và khoanh vùng bảo tồn di tích, tiến hành trưng bày bằng phương pháp hiện đại, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giới thiệu đến khách tham quan.
Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết: Chúng tôi sẽ tạo dựng thêm một số thực cảnh để phục vụ du khách, chú trọng hướng nhiều hơn đến du khách trẻ tuổi, học sinh, sinh viên về trải nghiệm văn hóa, học lịch sử qua giờ ngoại khóa. Khi du khách thập phương tới tham quan di tích sẽ có cái nhìn sâu sắc thông qua sự tái hiện lại dòng lịch sử qua các lễ hội, các hiện vật, nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng... Ban Quản lý di tích mong muốn rằng, đây sẽ là nơi giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của các thế hệ cha anh, để từ đó tạo cho mình một ý thức tốt, một nền tảng về tình yêu quê hương, trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Đề án Một số giải pháp phát triển dịch vụ du lịch thu hút du khách của Ban Quản lý di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng giai đoạn 2022-2025, nơi đây sẽ phát triển các loại hình du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn với du lịch ẩm thực. CLB Tiếng hát dân ca Bạch Đằng sẽ ra đời với các nhóm hát đúm, hát văn, chơi nhạc cụ dân tộc, thường xuyên tổ chức “Đêm thơ Bến Đò cổ”, đưa hát văn vào hầu mẫu tại di tích để phục vụ khách thập phương. Tiến tới tổ chức các hội thi tôn vinh nghệ nhân dân gian, cuộc thi giọng hát hay “Lời ca bên dòng sông huyền thoại” trở thành hoạt động thường niên tại di tích.
Ban sẽ liên hệ với Liên đoàn cờ tướng cùng xây dựng giải thi đấu cờ tướng cấp tỉnh và hướng tới xây dựng giải thi đấu cấp quốc gia tại di tích Bạch Đằng. Đồng thời tổ chức hội thi tôn vinh ẩm thực Quảng Yên, hình thành hệ thống quầy lưu niệm, các gian hàng trưng bày, giới thiệu ẩm thực, các món ngon, sản phẩm truyền thống của địa phương.
Cũng tại không gian di tích, sẽ có điểm viết “thư pháp” và chụp ảnh với trang phục cổ trang, các mô hình lều chõng, bút nghiên của sĩ tử. Trên bến đò sẽ có dịch vụ chèo thuyền với loại thuyền chải, trang phục của người chèo thuyền là trang phục cổ trang.
Thị xã cũng đầu tư hệ thống xe điện và xây dựng các tour tuyến phục vụ du lịch để du khách có nhiều lựa chọn khác nhau. Nơi đây sẽ hình thành các tuyến du lịch như: Tuyến du lịch sinh thái ven sông Bạch Đằng, tuyến du lịch tham quan các đền, chùa và kết hợp mua sắm, tuyến du lịch hai bên bờ sông Chanh.
Hy vọng trong thời gian tới, khi hoàn thiện toàn bộ các hạng mục, khu du lịch Bạch Đằng sẽ hấp dẫn hơn với du khách, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()