Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tỉnh phát triển bền vững, lâu dài. Văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong từng bước phát triển và sẽ là một ngành “công nghiệp không khói” mũi nhọn, chủ đạo của Quảng Ninh.
X ây dựng thiết chế văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ, tham gia góp phần nâng cao chất lượng sống, đồng thời góp phần từng bước xây dựng ngành “công nghiệp văn hóa”. Những thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cơ sở, trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân và du khách.
Tại Km0 mũi Sa Vĩ, TP Móng Cái, công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ mang biểu trưng văn hóa Việt Nam được xây dựng năm 2010 đã trở thành công trình văn hóa lớn nhất trên biên giới đất liền của Việt Nam.
Công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ có tổng diện tích quy hoạch 16.000m2, được khởi công xây dựng năm 2009, hoàn thành vào tháng 10/2013 tại nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên bản đồ hình chữ “S” của đất nước Việt Nam. Công trình bao gồm biểu tượng 8 lá dương khổng lồ bằng bê tông vĩnh cửu cao 27m hướng thẳng lên trời; vành đai bê tông ốp sứ màu có chu vi rất lớn lên đến 200m, cao 6m, khắc hoạ đậm nét hình ảnh văn hoá truyền thống của người dân mũi Sa Vĩ, TP Móng Cái.
Đây là công trình không chỉ có ý nghĩa về chính trị, văn hoá, kinh tế của TP Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, mà còn như một cột mốc văn hoá, thể hiện lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam, là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, năm 2020, công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ đã vinh dự được trao giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị và nông thôn ASEAN”.
Nói đến những thiết chế văn hóa biểu tượng của Quảng Ninh không thể không nhắc tới cụm các công trình văn hóa hiện đại gồm Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm - Quảng trường 30/10, là những thiết chế văn hóa cấp tỉnh có tầm vóc, quy mô lớn nhất của các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị, Cung Quy hoạch - Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh đã trở thành những công trình có ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa chất lượng cao, đồng thời trở thành sản phẩm du lịch mới, nơi du khách “nhất định phải đến” khi tới Hạ Long, Quảng Ninh.
Về thiết chế thể thao, Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh là công trình đặc biệt, trong đó Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ ngồi nằm trong quần thể Trung tâm được xây dựng trên diện tích gần 150.000m2 với kiến trúc độc đáo và ứng dụng những công nghệ thi công tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sân vận động Cẩm Phả được tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp thành sân vận động cấp tỉnh, quy mô 16.000 chỗ ngồi. Sân được Ban Tổ chức Giải V.Lague đánh giá là sân vận động có mặt sân đẹp nhất, tốt nhất Việt Nam. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức thi đấu tại Sân vận động Cẩm Phả.
Ngoài ra, các công trình văn hóa được đầu tư, xây dựng bằng kinh phí của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh cũng là những công trình văn hóa hiện đại, làm thay đổi diện mạo, quy mô, tầm vóc văn hóa và đời sống văn hóa của các địa phương trong tỉnh. Từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp kinh tế như Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Tuần Châu… đã xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế.
Ở cấp cơ sở, các thiết chế văn hóa, thể thao cũng ngày được quan tâm, đầu tư mở rộng. Toàn tỉnh có 13/13 địa phương đã thành lập trung tâm truyền thông và văn hóa. Nhiều huyện có sân bóng đá, nhà luyện tập - thi đấu, thư viện, bể bơi...
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh các thiết chế văn hoá thể thao có quy mô lớn như: TX Đông Triều, TX Quảng Yên, TP Cẩm Phả, góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao. Nhìn chung các công trình thiết chế văn hóa thể thao ở cấp huyện đã phát huy hiệu quả, cơ bản từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn.
Công tác xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động về thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã ở Quảng Ninh được quan tâm. Toàn tỉnh có 118/177 xã, phường đã quy hoạch quỹ đất thiết chế văn hóa thể thao; 58/177 xã, phường có nhà văn hóa, trong đó 43/58 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn; 80/177 xã, phường thành lập trung tâm văn hóa - thể thao. Các xã, phường còn lại đều tận dụng hội trường UBND xã để tổ chức hoạt động.
Trong số 1.543 thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh thì 1.530 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, trong đó 911 nhà được đầu tư xây mới cơ bản đạt chuẩn. Trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, đặc biệt là lồng ghép các chương trình, đề án như Đề án 196, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: Năm 2016 xây mới 29, sửa chữa 5 nhà văn hóa; năm 2017 xây mới 30, sửa chữa 6 nhà văn hóa; năm 2018 xây mới 38, sửa chữa 8 nhà văn hóa; năm 2019 xây mới 52, sửa chữa 7 nhà văn hóa; năm 2020 xây mới 22, sửa chữa 6 nhà văn hóa.
Bên cạnh những khó khăn như một số nơi còn thiếu quỹ đất, một số nhà văn hóa thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng... thì rất nhiều thôn, khu đã huy động nguồn lực xã hội hóa để trang sắm thiết bị, chỉnh trang nhà văn hóa. Từ đó, các nhà văn hóa mở cửa thường xuyên, trở thành địa điểm để chi bộ, các đoàn thể sinh hoạt, nơi diễn ra hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn hóa, văn nghệ quần chúng… góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đóng góp to lớn trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Có thể khẳng định rằng, công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm và tạo được sự đồng thuận, chung sức chung lòng của nhân dân. Vì vậy, số lượng và chất lượng thiết chế được nâng lên, từng bước cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, với nhiều nội dung, loại hình phong phú, đa dạng.
Cùng với sự đầu tư từ ngân sách, công tác xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đã đạt được kết quả nhất định. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, tài trợ, tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao ở nhiều quy mô cấp tỉnh, huyện, góp phần cùng với nhà nước tạo môi trường sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể dục, thể thao nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đến nay, 100% các thiết chế duy trì việc khai thác, sử dụng đúng mục đích. Ở cấp tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế như: Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử; Chương trình Gala xiếc 3 miền; Liên hoan xiếc quốc tế; Festival âm nhạc quốc tế - Hạ Long; tổ chức các giải thể thao lớn trong tỉnh và đăng cai các giải thể thao toàn quốc, quốc tế: Giải Marathon quốc tế Di sản Vịnh Hạ Long 2019; Ngày quốc tế Yoga 2020…
Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hạch, Hội chợ và Triển lãm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tham quan. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí cho các thiếu nhi trong dịp hè và toàn thể nhân dân.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đầy đủ, rộng khắp, hiện đại… đã giúp Quảng Ninh tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú phục vụ nhân dân, du khách. Chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cơ sở từng bước được nâng lên, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Đây cũng là nền tảng góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước.
Hoàng Nhi
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()