Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 22:41 (GMT +7)
Xây dựng văn hóa giao thông để kiềm chế, kéo giảm tai nạn
Thứ 5, 01/12/2022 | 08:50:39 [GMT +7] A A
Cuối năm là thời điểm tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Vì vậy, để chủ động kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt tăng cường tuyên truyền đến người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Tai nạn bắt nguồn từ thiếu ý thức
Theo Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra 77 vụ TNGT làm chết 45 người, bị thương 60 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ giảm 11 vụ, số người chết giảm 7 người, số người bị thương tăng 3 người. Phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT 11 tháng qua cho thấy, phần lớn nguyên nhân là do người tham gia giao thông điều khiển phương tiện không chấp hành Luật Giao thông. Cụ thể như không làm chủ tốc độ; chuyển hướng sai; không giữ khoảng cách an toàn; đi không đúng phần đường, làn đường; không nhường đường; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông...
Tại nhiều tuyến đường có mật độ giao thông lớn trên địa bàn TP Hạ Long, không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, sang đường tùy tiện, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...
Khu vực trước cổng Trường THPT Hòn Gai (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) thường xuyên diễn ra tình trạng người và phương tiện tham gia giao thông đi ngược chiều, từ xe đạp, xe máy, ô tô con, thậm chí cả ô tô tải cũng đi ngược chiều vào giờ cao điểm, mật độ giao thông đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ông Nguyễn Văn Xô, một người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, các phương tiện thường xuyên đi ngược chiều từ phía đường gom trước Nhà thi đấu và luyện tập thể dục tỉnh lên đường chính là quốc lộ 18 để sang đường, gây ra không ít vụ tai nạn. Các lực lượng chức năng cũng nhiều lần xử phạt vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Tương tự tại khu vực trước cổng trung tâm thương mại Go! Hạ Long, Trường Tiểu học Quang Trung (phường Hồng Hà), tình trạng đi ngược chiều, sang đường tùy tiện diễn ra rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao, nhất là giờ cao điểm khi học sinh tan trường.
Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm... song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.
TNGT chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn nhưng hậu quả và những hệ lụy của nó thì vẫn kéo dài. Sau mỗi vụ TNGT, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, thậm chí rơi vào bi kịch. Nhiều người trẻ đánh mất tương lai, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh cùng quẫn, kiệt quệ.
Cũng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, một thanh niên sinh năm 2002 (trú tại khu 5, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) cách đây hơn 2 năm trong một ngày đi học về bằng xe gắn máy, do không làm chủ tốc độ, TNGT đã khiến em bị thương nặng, phải nằm liệt giường. Hiện nay, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của bố mẹ, giấc mơ vào đại học của em cũng đành gác lại.
Bà Nguyễn Thị Bích, mẹ nạn nhân bày tỏ: “Các bậc phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con trẻ có ý thức tuân thủ Luật Giao thông, đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, đừng để phải ân hận muộn màng vì TNGT”.
Tích cực xây dựng văn hóa giao thông
Để xây dựng văn hóa giao thông trong mỗi người dân, qua đó kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh một cách bền vững, trong nhiều năm qua Quảng Ninh đã rất coi trọng đến việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình đảm bảo ATGT ở các khu dân cư. Trên 500 CLB và mô hình ATGT đang được triển khai ở các khu dân cư đã góp phần quan trọng vào việc từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân và xây dựng văn hóa giao thông, hạn chế dần những vi phạm trong quá trình tham gia giao thông. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cho Quảng Ninh liên tiếp kéo giảm TNGT sâu cả 3 tiêu chí trong nhiều năm.
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình điển hình về ATGT mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức và việc chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Có thể kể đến nhiều mô hình về ATGT do Tỉnh Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai như tuyến đường an toàn, cổng trường ATGT… đã phát huy hiệu quả rõ nét, giúp người dân và học sinh nâng cao ý thức khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.
Một trong những cách xây dựng văn hóa giao thông theo hướng bền vững mà Quảng Ninh đã làm và đang phát huy hiệu quả đó là triển khai giáo dục Luật Giao thông trong học đường. Việc đưa Luật Giao thông vào các tiết giảng dạy, hoạt động ngoại khóa đã từng bước xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường, tạo cho các em ý thức hơn đối với việc tham gia giao thông an toàn.
Thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2022 là “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều biện pháp đảm bảo ATGT một cách cao nhất cũng đã được toàn tỉnh triển khai. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức an toàn khi tham gia giao thông của người dân. Đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông, đặc biệt đối với việc vi phạm tải trọng, lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia, học sinh không chấp hành quy định ATGT...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, nhất là thời điểm cuối năm, tình hình giao thông diễn biến phức tạp, theo Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), cần phải huy động được sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và mọi người dân đối với việc nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, thấy đây là trách nhiệm của mình đối với xã hội và bản thân. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá hiệu quả; lấy người tham gia giao thông là chủ thể để thay đổi các hình thức, nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Tập trung tuyên truyền vào nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân, lái xe, người thường xuyên tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, cũng cần rà soát bất cập về tổ chức giao thông; đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT để giảm thiểu tối đa nguy cơ TNGT.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và dài hơi về ATGT, đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng; hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn để giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm họa TNGT; tổ chức các lớp học về ATGT, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động về ATGT đến từng khu dân cư, trường học… Ngoài ra, cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông, đảm bảo đủ sức răn đe và tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông. Có như vậy mới tạo được một môi trường giao thông thân thiện và an toàn.
Thu Hoài - Ngọc Ánh
Liên kết website
Ý kiến ()