Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 04/10/2024 03:15 (GMT +7)
Xây nhà ở cho người có công với cách mạng: Thiết thực và ý nghĩa
Thứ 4, 26/09/2018 | 16:12:04 [GMT +7] A A
Triển khai đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, ban hành ngày 26/4/2013, của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, kịp thời theo đúng quy định.
[links()]
Ông Hoàng Văn Lợi, khu Hòa Bình, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả trong ngôi nhà hai tầng mới xây, được hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg. |
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, giai đoạn 1 (2013-2016), tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 4.927 hộ, trong đó xây mới 2.556 nhà, sửa chữa 2.371 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 149 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của đề án này được triển khai trong 2 năm (2017 và 2018), với đối tượng người có công được hỗ trợ về nhà ở được mở rộng, chủ yếu là những trường hợp được thưởng huân, huy chương trong kháng chiến gặp khó khăn về nhà ở.
Theo đó, trong 2 năm, toàn tỉnh sẽ hỗ trợ nhà ở cho 3.630 hộ (1.875 hộ xây mới, 1.755 hộ sửa chữa, cải tạo). Tuy nhiên, qua quá trình tổ chức thực hiện và rà soát thực tế, đến thời điểm 20/7/2018, đã xác định trên địa bàn tỉnh có 3.768 hộ trong diện hưởng chính sách (gồm 1.956 hộ xây mới và 1.812 hộ sửa chữa), tăng 138 hộ so với đề án được phê duyệt (tăng 81 hộ xây mới và 57 hộ sửa chữa).
Quá trình thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg được các địa phương rà soát kỹ, đúng đối tượng yêu cầu cần phải hỗ trợ. Bên cạnh đó là lồng ghép chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng với các chương trình nhà ở khác. Đặc biệt, ngoài nguồn vốn trung ương, Quảng Ninh đã hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh và huy động xã hội hóa bằng tiền, vật liệu xây dựng, ngày công… giúp các hộ gia đình người có công với cách mạng ổn định nơi ở, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, theo mức chung của trung ương là 40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu đồng/hộ sửa chữa, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí dành ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ xây mới và 10 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà ở để đạt mức hỗ trợ cao hơn so với giai đoạn 1, phù hợp với tình hình giá nhân công, vật liệu xây dựng thời điểm hiện tại. Đối với các hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ quỹ Đền ơn, đáp nghĩa của tỉnh cũng được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ xây mới, 5 triệu đồng/hộ sửa chữa, để đạt mức hỗ trợ chung của tỉnh.
Nhà ở sau khi được hỗ trợ đảm bảo tiêu chí 3 cứng, diện tích nhà ở đa số trên 30m2, chất lượng đảm bảo; hồ sơ giải ngân và hoàn công cơ bản đảm bảo theo hướng dẫn của tỉnh.
Để triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề án Hỗ trợ người có công về nhà ở giai đoạn 2, thời gian qua, Sở Xây dựng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thường xuyên đôn đốc các địa phương tích cực triển khai việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, chủ động thông báo, hướng dẫn cho các hộ gia đình người có công được hỗ trợ nhà ở thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở theo tiến độ, mục tiêu đã đề ra.
Ngôi nhà mới của thương binh Trần Thị Sâm (thôn Hà Lùng, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Mỹ Hạnh (CTV) |
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, cộng đồng và sự hỗ trợ của người thân, nhiều ngôi nhà mới của người có công đã và đang hoàn thiện. Chất lượng, diện tích nhà ở hầu hết đều vượt tiêu chuẩn tối thiểu, nhiều ngôi nhà được xây dựng rất khang trang. Ông Hoàng Văn Lợi đối tượng chính sách ở tổ 13, khu Hòa Bình, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả xúc động chia sẻ: Ngôi nhà cũ của gia đình được xây dựng đã lâu nên xuống cấp, bao nhiêu lần tôi tính dành dụm tiền để sửa nhưng vẫn chưa thực hiện được. Năm 2017 được BCH Quân sự TP Cẩm Phả hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình tôi đã vay mượn thêm anh em, họ hàng để xây mới nhà ở, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Do thời gian triển khai đề án nhanh, địa bàn rộng nên công tác tuyên truyền, vận động ở một số phường, xã chưa chủ động và sâu rộng đến đối tượng người có công, dẫn đến còn bỏ sót đối tượng, số liệu danh sách còn phải điều chỉnh, bổ sung so với số liệu đề án được phê duyệt. Bên cạnh đó, nhà ở của các hộ gia đình người có công được xây dựng từ lâu, không có thiết kế, tự xây dựng qua nhiều giai đoạn, nên việc điều tra, đánh giá hiện trạng, chất lượng nhà ở để xác định việc xây mới hay sửa chữa lúc ban đầu còn hạn chế. Vì thế, một số địa phương nhiều lần phải điều chỉnh, bổ sung, phát sinh danh sách. Mặt khác nhiều hộ gia đình do không có nguồn đối ứng dẫn đến tiến độ triển khai gặp khó khăn.
Do đó, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của các hộ gia đình người có công với cách mạng đã được hỗ trợ nhà ở đảm bảo và hoàn thiện các thủ tục thanh, quyết toán, hoàn trả kinh phí nếu còn dư. Đồng thời, tiếp tục rà soát các đối tượng người có công đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg để đề xuất lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ nhà ở khác nếu có nhu cầu.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()