Chưa thể trở lại Hà Nội sau chuyến du lịch, vợ chồng chị Thu Phương xây ngôi nhà nhỏ trong bản Chiềng Đi, cùng con tận hưởng mùa hè yên bình.
Ngôi nhà của gia đình người phụ nữ 40 tuổi rộng 50m2, có lối đi bằng gạch ngay ngắn dẫn ra vườn rau xanh và hoa hồng, xung quanh được bao bọc bởi vườn cây mận, đào lâu năm. Hàng ngày, gia đình chị được đánh thức bởi tiếng chim hót trong vườn, rồi cùng nhau đi dạo trong tiết trời se lạnh của bản làng vùng cao, nhâm nhi tách trà ấm, hít hà hương hoa thoảng trong không khí.
Cảm xúc là lý do vợ chồng chị Phương quyết định xây dựng ngôi nhà. Làm việc trong lĩnh vực du lịch, anh chị không ít lần tới huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Phải lòng với vùng đất này, năm 2020, anh chị quyết định mua một mảnh đất 3.600 m2 ở dốc Chiềng Đi, trong bản Chiềng Đi (huyện Vân Hồ) làm của để dành. Tháng 7/2021, cả gia đình du lịch cuối tuần ở Mộc Châu và kẹt lại đến nay đã gần 3 tháng vì dịch Covid-19. Cảm xúc tiếp tục thôi thúc vợ chồng chị xây dựng ngôi nhà nhỏ.
"Thay vì lo lắng, buồn bã vì mắc kẹt, gia đình mình lựa chọn cách tận hưởng những niềm vui và quan trọng nhất là không lãng phí một phút giây nào trong cuộc đời", chị Phương cười và nói. Ở nơi có độ cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển, tiết trời lúc nào cũng mát mẻ, trưa chiều có nắng vàng, đặc biệt mảnh đất của gia đình chị lại được phủ bóng mát bởi hàng trăm cây lâu năm. Trong những ngày khởi công xây dựng ngôi nhà, anh chị tranh thủ cuốc đất, làm khu vườn khoảng 200 m2 để trồng rau xanh, hoa hồng và gieo hạt cải dưới gốc cây mận, đào.
Sau một tháng hoàn thiện, dù không lớn, chỉ đủ che mưa, che nắng và đảm bảo tiện nghi cơ bản, gia đình chị Phương chuyển về sống thay vì ở khách sạn. Chị chia sẻ, dù nơi đây gọi là bản nhưng rất gần với Mộc Châu, đường dễ đi nên việc giao hàng thuận lợi, về cơ bản gia đình chị không thiếu thốn vật chất. Hiện nay, họ chỉ gặp bất tiện duy nhất là thiếu nước, vì các hộ dân ở đây đều dùng nước chảy từ núi ra.
Hằng ngày, ngoài những giờ làm việc, gia đình nhỏ lại cùng nhau đi dạo hay thăm các điểm đến xung quanh, như bản Bó Nhàng với những cánh đồng lúa xanh rì, xã Xuân Nha với ruộng bậc Thang và bản người Thái hay xã Tô Múa với những cung đường núi mà từ đây có thể thấy nương ngô trải dài, xanh mướt. Thời gian còn lại, chị Phương chăm chút cây cối trong vườn, còn chồng chị hái chè rồi sao khô để thưởng thức mỗi sáng. Bữa cơm hàng ngày của gia đình cũng luôn đa dạng những món núi rừng như hoa rừng xào bắp bò, rau tầm bóp, su su bao tử, sữa chua Mộc Châu...
Con gái 7 tuổi của chị làm quen với rất nhiều bạn nhỏ cùng độ tuổi trong bản. Hàng ngày lũ trẻ đưa nhau ra ngoài chạy nhảy quanh đồi chè, nương mận. Các bạn trong bản dạy cô bé về loài hoa, con vật tự nhiên còn cô dạy lại bạn nói tiếng Anh. Trong những lần cùng bố mẹ đi mua sắm, cô không quên dặn mẹ mua thêm cho các bạn nhỏ ở nhà những món đồ chơi, vợt cầu lông hay bánh pizza.
Ở Chiềng Đi, gia đình chị Phương cũng có thêm thành viên mới là 2 mẹ con chó vàng. Chúng đến đây từ khi anh chị xây dựng hàng rào quanh ngôi nhà và ở lại đến nay, hàng ngày chạy theo họ mỗi khi ra ngoài, từ 2 con chó gầy trơ xương, nay chúng đã mập mạp và đẹp hơn.
Yên bình là những điều chị Phương thích nhất trong những ngày ở bản Chiềng Đi. Gia đình chị được tạm thoát khỏi vòng xoáy kinh tế, công việc, mỗi sáng không còn tất bật dậy sớm để đưa con ra xe bus đi học. Mỗi ngày, chị thấy hạnh phúc khi được ngắm nhìn cây lớn lên, hoa nở rộ, những ngày mưa thì trong vườn nhà như có thác nước nhỏ. Hơn thế, chị yêu dáng vẻ "như ông cụ" của chồng mỗi khi pha trà và cả sự vui vẻ, vô tư của con gái mỗi khi hát hò, chạy nhảy với bạn bè giữa thiên nhiên.
Thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, anh chị sẽ trở lại Hà Nội để tiếp tục công việc và cho con đi học. Mảnh đất ở Chiềng Đi dù chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể nhưng chị mong muốn làm một khu cắm trại glamping (cắm trại xa xỉ) để góp phần nhỏ tăng sinh kế cho bà con địa phương.
Ý kiến ()