Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:34 (GMT +7)
Xem "Mắt biếc": Tình yêu lỗi thời của Ngạn và sự chờ đợi của chúng ta
Thứ 5, 26/12/2019 | 13:05:58 [GMT +7] A A
Ngạn đã dành cả thanh xuân cùng tình yêu chỉ có trong cổ tích để chờ Hà Lan, Hồng cũng dành cả thời con gái để đợi Ngạn. Còn chúng ta chờ đợi “Mắt biếc” bằng tất cả sự kỳ vọng, tiếc rằng phim không thực sự “phê” như... “lời đồn”.
Hình ảnh Ngạn và Hà Lan trong phim "Mắt biếc". Ảnh: NSX |
Một nhà báo thuộc thế hệ 7X sau khi thưởng thức trọn vẹn “Mắt biếc” ngày đầu tiên ra rạp đã chia sẻ rằng: “Dù có đọc tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh và cũng phần nào biết về nội dung phim, nhưng tôi vẫn thấy tình yêu của Ngạn (Trần Nghĩa thủ vai) lạc lõng quá.
Thứ tình cảm lạc lõng cả trong phim lẫn trong đời thực. Ngay cả thế hệ của chúng tôi cũng không còn tồn tại thứ tình yêu đơn phương một cách đầy hy sinh và dại khờ như thế. Đặt trong bối cảnh bây giờ thì đó đúng là câu chuyện cổ tích chỉ có trên phim.
Tôi không bất ngờ với cách mà thế hệ trẻ phản ứng với Ngạn sau khi theo dõi bộ phim”.
Đó cũng chính là điểm nhấn xuyên suốt “Mắt biếc”. Chúng ta có thể chấp nhận những hình ảnh mang đặc trưng của nông thôn xưa ở ngôi làng Đo Đo giản dị. Chúng ta yêu bối cảnh với những món đồ hay bắt gặp ở các quán cafe thời bao cấp được tái hiện trong phim của Vitor Vũ. Thế nhưng, khó lòng chấp nhận mối tình lạc lõng mà Ngạn dành cho Hà Lan (Trúc Anh thủ vai). Dù rằng, ở thời điểm mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết ra truyện ngắn cùng tên, đó là thứ tình yêu vẫn len lỏi trong xã hội mà mọi giá trị vẫn chưa bị phá vỡ trật tự.
Hình ảnh phim “Mắt biếc“. Ảnh: NSX |
Với thời lượng kéo dài gần 2 tiếng, “Mắt biếc” khiến người xem có cảm giác giống như những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh bị lật vội. Mọi thứ chỉ được lướt qua và không đọng lại quá nhiều cảm xúc. Sự chờ đợi của Ngạn dành cho Hà Lan cũng vì thế mà cứ lướt nhanh như những bước chạy cuối cùng tại sân ga. “Mắt biếc” không muốn bỏ lỡ câu chuyện, chi tiết nhưng lại vô tình lướt qua cảm xúc của khán giả.
Như đạo diễn Victor Vũ chia sẻ thì điều quan trọng nhất khi chuyển thể từ tuyện ngắn thành phim là phải giữ được tinh thần văn học. Điều quan trọng là bản thân người đạo diễn có nhận ra chất liệu điện ảnh đó hay không. Giữa điện ảnh và văn học có hai đời sống riêng, nhưng riêng Victor Vũ mong muốn giữ được chất văn học. Bởi chất đó thú vị, có sức hút riêng, nhất là đối với những tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Có thể đó cũng là cái khó nhất mà anh đã gặp phải, điều này có thể giải thích cho việc xem “Mắt biếc” có quá nhiều lát cắt xuất hiện.
“Có hai điều không thể bỏ lỡ trong cuộc đời. Đó là những chuyến xe cuối cùng và những người yêu ta thật lòng”.
Đó là “trend” trong lời hội thoại của Trà Long (Khánh Vân thủ vai) với mẹ Hà Lan. Thế nhưng, đó cũng là câu kết cho một bộ phim lẽ ra sẽ mang lại nhiều lắng đọng. Hà Lan đã bỏ lỡ tình yêu của Ngạn còn “chàng trai viết lên cây” đã bỏ lỡ chính cuộc đời của mình và người con gái yêu thương mình thật lòng.
Còn “Mắt biếc”, phần nào đó bỏ lỡ những cảm xúc chờ đợi của khán giả.
Thực tế chúng ra đã dành quá nhiều thời gian để chờ đợi “Mắt biếc”. Nhiều khán giả thậm chí còn kỳ vọng đây sẽ là một phim “bom tấn” của năm. Thế nên, khi sự chờ đợi vượt ngưỡng đã không còn tạo cảm giác “phê” khi phim ra rạp.
Sự hụt hẫng về cảm xúc của khán giả giống như sự chờ đợi cùng tình yêu lạc lõng của Ngạn với Hà Lan, là tuổi thanh xuân bị lãng quên của Hồng dành cho Ngạn. Tuy nhiên, “Mắt biếc” vẫn phần nào truyền tải đến người xem một câu chuyện cũ với những góc nhìn mới. Khán giả đã không còn mắc kẹt trong những lối mòn trong cách nhìn nhận về phim ảnh giống như Ngạn mắc kẹt cuộc đời mình ở ngôi làng nhỏ Đo Đo.
Theo HOÀI ĐAN/laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()