Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:48 (GMT +7)
Xem xét bổ sung quy định về việc người dân có quyền được cung cấp thông tin
Thứ 4, 17/08/2022 | 22:06:55 [GMT +7] A A
Trong phiên làm việc chiều 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định về việc người dân có quyền được cung cấp thông tin, coi đây là một phương thức truyền thông về những thành tựu của đất nước.
Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ nhất trí, đồng thời đánh giá cao công tác soạn thảo, xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là việc đưa ra quy định “công dân là người lao động” đã thể hiện rất đúng mục tiêu điều chỉnh của dự án Luật mà không gây mâu thuẫn, xung đột với Bộ luật Lao động hiện hành.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nội dung như “dân thụ hưởng”, “Ban Thanh tra nhân dân” đều phát huy tốt mục đích, tôn chỉ, định hướng, dù có cách triển khai mộc mạc, giản dị nhưng lại hiệu quả.
Trong đó, nội dung “Ban Thanh tra nhân dân” đã cho thấy giá trị không chỉ gói gọn ở địa bàn dân cư, mà còn được kỳ vọng sẽ phát huy mạnh mẽ ở khu vực doanh nghiệp với đối tượng thụ hưởng là người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật nghiên cứu, cân nhắc việc bổ sung thêm một nội dung quy định về quyền được cung cấp thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin đối với những chính sách từ cả Trung ương và địa phương có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là lĩnh vực an sinh xã hội.
Theo đó, hiện nay có một số địa phương triển khai những chính sách với mức độ thụ hưởng cao hơn của Trung ương cả về tiền lương, mức trợ cấp… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Việc bổ sung nội dung nêu trên còn có thể coi như một cách truyền thông đến người dân về những thành tựu, sự phát triển của đất nước.
Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt về một số vấn lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: dự án Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 Chương và 79 Điều.
Trong đó, đã bỏ 25 Điều, bổ sung mới 30 Điều, tăng 5 Điều so với dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để làm rõ hơn cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên thực tế. Cụ thể, làm rõ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt.
Bên cạnh đó, dự án Luật cũng được bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()