Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:43 (GMT +7)
Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8) Xoa dịu nỗi đau da cam
Thứ 4, 10/08/2022 | 08:51:27 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng rất nhiều người dân Việt Nam vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy - phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin do đế quốc Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam. Chung tay xoa dịu nỗi đau, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chăm lo, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các nạn nhân CĐDC/dioxin.
Trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) là thương binh, bệnh binh, bị phơi nhiễm CĐDC, nhưng luôn cố gắng tham gia phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Họ thực sự là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Chúng tôi đến thăm CCB Phạm Văn Đang (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà), thương binh hạng 4/4, nạn nhân CĐDC. Bằng nghị lực của người lính, ông cùng gia đình đã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Để có được thành quả đó, ngay khi trở về quê hương dù còn mang trên mình nhiều vết thương, ông đã lăn lộn làm nhiều nghề để có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình. Những năm 90, CCB Phạm Văn Đang là người tiên phong trong việc thực hiện mô hình đắp đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Minh. Từ nuôi cua sau đó chuyển sang nuôi tôm, cá rồi đến trồng cây ăn quả...
Ông đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả qua các mô hình cụ thể, trên sách, báo, mạng Internet. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, ao đầm của gia đình ông mang lại thu nhập ổn định hằng năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đang còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản cho đồng đội, cho người dân ở địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Những năm qua, nhiều CCB dù bị phơi nhiễm CĐDC nhưng vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, để chung tay góp sức với họ, các cấp, ngành, địa phương và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, như vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ, khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình...
Toàn tỉnh hiện có trên 300 nạn nhân CĐDC/dioxin có tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thu nhập từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, một số có doanh thu cao từ 2-3 tỷ đồng/năm; trên 160 nạn nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, cây ăn quả quy mô nhỏ; 70 nạn nhân phát triển trang trại từ 1ha trở lên.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện còn 5.025 trường hợp bị nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó có 4.172 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 853 trường hợp là con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân CĐDC, như: Trợ cấp thường xuyên và đột xuất; hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm... với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó, để huy động nguồn lực xã hội tham gia chăm sóc nạn nhân CĐDC, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh vận động các cơ quan, đơn vị ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ cải thiện nhà ở, giúp đỡ khó khăn, tặng sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân CĐDC; phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh vận động xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, như: Hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; vay vốn phát triển kinh tế; trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên, hằng tháng cho một số nạn nhân có bệnh, tật đặc biệt nặng; tặng thẻ BHYT cho thân nhân của nạn nhân...
Bên cạnh nguồn ngân sách theo quy định và nguồn vận động xã hội hóa, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với Sở Tài chính, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh, như Quyết định số 4694/QĐ-UBND (ngày 1/11/2017) "Về việc hỗ trợ giải độc và phục hồi sức khỏe cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ninh". Qua đó đã tạo thêm nguồn lực để bổ sung hỗ trợ chi phí mua thuốc, thực phẩm chức năng sử dụng trong các đợt trị liệu; hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho đối tượng trong thời gian giải độc; chi phí nhân công cho bộ phận y tế trực tiếp thực hiện công việc giải độc tố, phục hồi sức khỏe. Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công (Sở LĐ-TB&XH) hằng năm chăm sóc, điều dưỡng cho hàng trăm lượt thương, bệnh binh, nạn nhân CĐDC/dioxin.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của xã hội, những đau thương, mất mát của các gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin đã phần nào được vơi bớt, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()