Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:40 (GMT +7)
Xu hướng K-pop toàn cầu mới nhất: hiện đại kết hợp truyền thống
Thứ 7, 29/04/2023 | 15:07:54 [GMT +7] A A
K-pop lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Hàn Quốc khi đám đông sành điệu tìm thấy sự hấp dẫn trong di sản lâu đời của đất nước.
Một nhạc sĩ bắt đầu chơi nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc "haegeum" trên nền một bức tranh hùng vĩ mô tả phong cảnh núi non được vẽ trên một cuộn vải trắng.
Phần độc tấu ngắn kết hợp với tiếng ngân nga của các nhạc cụ khác của Hàn Quốc, bao gồm cả "geomungo" và "gayageum" để tạo thành một bản hòa tấu.
Trái ngược với những gì bạn có thể nghĩ, đây không phải là buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc mà bạn thường thấy ở Trung tâm Gugak Quốc gia.
Trên thực tế, đây là một cảnh trong một bộ phim tài liệu có thành viên Suga của BTS được phát hành trên Disney Plus vào ngày 21/4, có tựa đề Suga: Road to D-Day với ngôi sao BTS rap trên sân khấu theo giai điệu của các nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc.
Ca khúc mới của Suga - Haegeum - lấy cảm hứng từ nhạc cụ cùng tên, đã vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng bài hát hàng đầu của iTunes tại 90 quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ vào ngày 22/4.
Vào ngày 22/4 tại Indio, bang California, bối cảnh lớn giống như mái ngói truyền thống của Hàn Quốc đã được lắp đặt trên sân khấu chính của Liên hoan Âm nhạc và Nghệ thuật Thung lũng Coachella.
Trên nền màu hồng, các cô nàng Blackpink đã biểu diễn ca khúc Pink Venom với âm thanh của các nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc bao gồm cả "geomungo".
Văn hóa truyền thống Hàn Quốc là chủ đề trung tâm trong quá trình sản xuất sân khấu của họ, điều này cũng được thể hiện khi Blackpink trình diễn điệu múa quạt trong màn trình diễn ca khúc Typa Girl khi họ "dậm chân và cười dưới mái chùa cao chót vót" như mô tả của Los Angeles Times.
Ngôi sao K-pop kết hợp âm thanh của nhạc cụ truyền thống
Các ca sĩ K-pop hiện đang lấy cảm hứng từ các yếu tố của văn hóa truyền thống Hàn Quốc trong âm nhạc và các buổi biểu diễn của họ.
Trong một thế giới với những xu hướng phát triển nhanh chóng, nơi sự mới lạ và đổi mới là những yêu cầu để tồn tại.
Đã qua rồi cái thời những truyền thống cũ của Hàn Quốc từng bị ngành công nghiệp coi là một trở ngại đối với quá trình toàn cầu hóa nội dung của Hàn Quốc.
Các ngôi sao K-pop ngày nay đã nhận ra tiềm năng của văn hóa Hàn Quốc cổ đại để làm cho âm nhạc của họ trở nên độc đáo và khác biệt hơn - câu trả lời cho những lời kêu gọi ngày càng tăng về sự đa dạng văn hóa trong K-pop.
Theo một quan chức của Bit Hit Music vào ngày 23/4, thành viên Suga của BTS đã nỗ lực kết hợp âm thanh của các nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc vào âm nhạc của anh trong 3 năm qua.
Thử nghiệm của Suga bắt đầu với ca khúc Daechwita vào năm 2020, ca khúc này chịu ảnh hưởng của nhạc rước kiệu cung đình từ triều đại Joseon.
Suga được trích dẫn rằng "Ryuichi Sakamoto từng nói thế giới tràn ngập âm thanh và nó đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với tôi.
Tôi muốn tạo ra âm nhạc với những âm thanh khác nhau với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ chơi các nhạc cụ độc đáo từ khắp nơi trên thế giới".
Suga đã không ngừng vượt qua giới hạn và phá vỡ các ranh giới kể từ đó, đỉnh cao là album solo D-Day được phát hành vào ngày 21/4, trong đó kết hợp âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc với nhịp điệu hip-hop và ảnh hưởng của rock.
Mặc dù âm nhạc của Suga đề cao sự cởi mở và hòa nhập, nhưng lời bài hát của nam thần tượng cũng đưa ra những bình luận gay gắt về sự thù hận ngày càng tăng mà chúng ta đang thấy trong xã hội ngày nay.
Trong khi đó, bộ thiết kế mái ngói truyền thống của Blackpink lần đầu tiên được nhìn thấy trong MV DDU-DU DDU-DU vào năm 2018 và toàn bộ set đó đã được chuyến tới Mỹ khi họ được đề nghị là ngôi sao chính tại lễ hội âm nhạc Coachella - lời mời đầu tiên mở rộng cho một nhóm nhạc thần tượng K-pop.
Một quan chức của YG Entertainment cho biết: "Coachella không chỉ là một lễ hội âm nhạc, mà còn là một nền tảng để trao đổi những xu hướng mới nhất trong văn hóa" và nói thêm:
"Quyết định được đưa ra để thể hiện truyền thống văn hóa độc đáo của Hàn Quốc trong màn trình diễn và thiết kế sân khấu của Blackpink sau những cuộc thảo luận dài với các thành viên trong nhóm".
Cung điện cổ của Hàn Quốc bùng nổ du lịch nhờ K-pop
Các yếu tố của văn hóa truyền thống Hàn Quốc đã thúc đẩy những bộ óc sáng tạo của nền K-pop trong vài năm qua.
Stray Kids đã giới thiệu một thể loại kể chuyện âm nhạc cổ của Hàn Quốc được gọi là "Pansori", cũng như múa lân truyền thống, trong các buổi hòa nhạc của họ ở Mỹ và Nhật Bản cho ca khúc Thunderous.
Buổi hòa nhạc của BTS lấy bối cảnh tại cung điện hoàng gia cổ kính Gyeongbokgung của Hàn Quốc đã được phát sóng trên chương trình Tonight Show with Jimmy Fallon vào năm 2020.
Theo DJ Hitchhiker, một nhạc sĩ hiện đang sinh sống tại Mỹ và là cựu thành viên của ban nhạc rock Rollercoaster, di sản văn hóa lâu đời của Hàn Quốc giờ cộng hưởng với đám đông sành điệu ở các quốc gia trên toàn cầu và các nghệ sĩ K-pop đang tận dụng xu hướng này để nhấn mạnh những ảnh hưởng từ truyền thống trong âm nhạc của họ.
Trong khi đó, các cung điện hoàng gia cũ của Hàn Quốc đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng của khách du lịch sau khi những địa điểm này được sử dụng làm bối cảnh cho các buổi biểu diễn K-pop lớn.
Theo Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc, 350.000 khách du lịch nước ngoài đã đến thăm 4 cung điện lớn của Hàn Quốc, bao gồm Cung điện Gyeongbokgung và Cung điện Changgyeonggung, vào tháng trước, nhiều hơn 50.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2010.
Theo thethaovanhoa.vn
Liên kết website
Ý kiến ()