Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 22:00 (GMT +7)
Xử lý nghiêm nạn "xe dù, bến cóc"
Thứ 6, 09/07/2021 | 07:13:39 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc lập lại trật tự ATGT bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là việc dẹp bỏ tình trạng “xe dù, bến cóc”. Dù kết quả chưa đạt được như mong muốn, song bước đầu đã hạn chế được việc tồn tại “bến cóc” và nạn “xe dù” đã cơ bản chấm dứt.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên toàn quốc có đầy đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không). Điều đó cho thấy hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã kết nối với rất nhiều địa phương, kèm theo đó là nhu cầu di chuyển của người dân cũng rất lớn, qua đó, đòi hỏi công tác quản lý, bố trí hạ tầng giao thông cho hợp lý là điều cần thiết và cấp bách.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có 142 xe buýt, 1.423 xe hợp đồng, 2.012 xe taxi và 500 xe tuyến cố định. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có 1.091 đơn vị (511 doanh nghiệp, 28 HTX, 552 hộ kinh doanh cá thể). Số liệu trên cho thấy hoạt động vận tải hành khách của Quảng Ninh rất sôi động, đồng thời đặt ra cho cơ quan chức năng nhiệm vụ phải đảm bảo môi trường vận tải lành mạnh, ATGT...
Ông Mạc Đức Sơn, Phó trưởng Phòng Vận tải (Sở GTVT) cho biết: Công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách luôn được Sở GTVT quan tâm, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ GTVT. Qua đó, yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân hoạt động vận tải phải chấp hành đầy đủ mọi quy định do cơ quan chức năng yêu cầu. Hàng tháng, quý, đều có kiểm tra, đánh giá về công tác vận tải hành khách, để đưa ra những nhiệm vụ phù hợp, đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên, là địa phương có hệ thống giao thông đa dạng và nhiều phương tiện vận tải hành khách, nên Quảng Ninh cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”. Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nạn “xe dù, bến cóc” vẫn diễn ra ngang nhiên, trong khi việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa triệt để, gây bức xúc trong nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.
6 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành xử lý trên 1.000 trường hợp phương tiện vi phạm lỗi dừng, đỗ không đúng nơi quy định, phạt gần 1 tỷ đồng. Để chấm dứt hoạt động của các “bến cóc”, Sở GTVT đã cho phép các phương tiện vận chuyển hành khách tuyến liên tỉnh đón và trả khách cùng điểm xe buýt nội tỉnh. Song ý thức chấp hành của một số lái xe rất kém, cũng như người dân còn tuỳ tiện trong việc đón xe, đã góp một phần không nhỏ vào việc phát sinh các “bến cóc”.
Trung tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết: Chủ phương tiện khi bị xử lý vi phạm dừng, đỗ không đúng nơi quy định luôn đưa ra nhiều lý do, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay lượng phương tiện tăng nhanh, các điểm dừng, đỗ lại ít, nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu để bổ sung thêm, tạo thuận lợi cho người dân.
Bên cạnh việc “bến cóc” chưa được giải quyết triệt để, thì nạn “xe dù” cũng có dấu hiệu bùng phát trở lại. Khi người dân lên xe thường bị ép giá hoặc chuyển xe liên tục, gây nhiều bức xúc. Theo tìm hiểu của phóng viên, “xe dù” thường có giá vé “mềm” hơn so với những phương tiện đăng ký hoạt động vận tải với cơ quan chức năng. Thế nên các “xe dù” vẫn “sống tốt” dù bị lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý vi phạm.
“Xe dù, bến cóc” không chỉ làm cho bức tranh đô thị lộn xộn, nhếch nhác, mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để sớm chấm dứt tình trạng này.
Nguyễn Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()