Trẻ sơ sinh dễ bị nghẹt mũi hơn trẻ lớn hoặc người trưởng thành vì đường mũi còn nhỏ và cần thời gian để hoàn thiện. Hầu hết các trường hợp nghẹt mũi nhẹ là do nhiễm vi trùng, tiếp xúc với không khí khô, chất kích ứng như khói bụi, khói thuốc lá hay dầu thơm.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khi trẻ nghẹt mũi kèm theo các dấu hiệu như sốt, da tím tái, thở rút lõm ngực, ho có đờm, quấy khóc, li bì, bỏ bú..., ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ thăm khám và điều trị phù hợp.
Sau khi bác sĩ đánh giá trẻ sơ sinh nghẹt mũi nhẹ, nếu có chỉ định vệ sinh mũi hỗ trợ, phụ huynh có thể xử trí tại nhà như sau.
Hút dịch mũi
Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào một bên mũi (thường từ 1-3 giọt đối với trẻ sơ sinh), có thể đợi 10-30 giây để loãng dịch mũi. Khi tiến hành hút dịch mũi, bạn bịt một lỗ mũi còn lại và dùng dụng cụ hút mũi (có thể là dạng quả bóp cao su hoặc dụng cụ hút mũi hai dây...) để hút chất nhầy ở lỗ mũi của trẻ đã được làm ướt. Bạn tiếp tục thực hiện với lỗ mũi còn lại, nên có thời gian nghỉ giữa 2 bên. Phụ huynh nên hút mũi cho bé trước bữa bú, có thể thực hiện vài lần trong ngày, không nên tiến hành khi trẻ không tỉnh táo như gần giờ ngủ.
Cách dùng dụng cụ hút mũi quả bóp cao su
Bóp quả bóng cao su tròn trước khi nhẹ nhàng đặt đầu hút vào sát lỗ mũi của bé. Lưu ý, ba mẹ không cần tì lên quá mạnh, vừa đủ khít là được, sau đó, giảm lực bóp (nhả bóng) ra từ từ để hút dịch mũi ra ngoài. Bạn lặp lại thao tác như thế đối với bên mũi còn lại. Rửa sạch dụng cụ bằng xà phòng sau mỗi lần sử dụng.
Cách dùng dụng cụ hút mũi hai dây
Trước khi sử dụng lần đầu tiên, bạn nên rửa tráng lòng dụng cụ bằng nước nóng và phơi khô kỹ, cho bé nằm ngửa, đầu nghiêng qua một bên, nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé. Đặt đầu mềm của dây hút vào mũi của bé, sau đó, bạn hít vào bằng miệng qua đầu dây còn lại để hút dịch nhầy trong mũi bé ra. Lặp lại các thao tác trên đối với bên mũi còn lại. Cuối cùng bế bé lên và cho bé hơi ngả về trước để dịch nhầy còn lại chảy ra ngoài, ba mẹ có thể dùng gòn hoặc khăn mềm thấm nước muối sinh lý để lau nhẹ dịch nhầy chảy ra vùng phía trước mũi bé.
Lấy gỉ mũi
Lấy gỉ mũi khô dễ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu khiến bé bị đau. Do đó, bạn cần làm mềm chúng trước khi lấy ra khỏi mũi bé.
Bạn làm ướt một miếng gạc bông với nước ấm và nhẹ nhàng lau khu vực có gỉ mũi. Bạn có thể nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi để làm mềm gỉ, đợi 30-60 giây trước khi tiến hành hút dịch. Nếu gỉ mũi nằm gần phía lỗ mũi, bạn có thể dùng bông tăm đầu nhỏ nhẹ nhàng khều gỉ mũi ra ngoài sau khi đã làm mềm bằng nước muối sinh lý.
Ý kiến ()