Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 06:44 (GMT +7)
Xuân này về Yên Tử…
Chủ nhật, 04/02/2024 | 09:24:00 [GMT +7] A A
Mùa xuân này, Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) lại rộn ràng chào đón du khách hành hương về tham quan, lễ Phật tại các điểm chùa trên núi và trải nghiệm các hoạt động văn hoá, lễ hội dưới chân non thiêng. Chuẩn bị cho mùa hội xuân đang tới gần, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân nơi đây đã có sự chủ động, phối hợp tốt về mọi mặt trong thời gian qua.
Chuẩn bị chu đáo
Du khách về với Yên Tử vào những ngày cuối năm này có cơ hội được tham gia Chương trình Làng Việt - Tết xưa, do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm lần đầu tiên tổ chức dưới chân Yên Tử, vào ngày 3/2.
Theo đó, toàn bộ không gian khu vực Làng Nương sẽ được trang trí mang phong cách không gian Tết xưa. Người dân cũng như đại biểu, du khách tham gia các hoạt động đều mặc trang phục truyền thống để tham quan, trải nghiệm. Trong không gian ấy, tái hiện sinh động, chân thực các hoạt động trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta, theo đó bà con chỗ thì giã giò, chỗ thì gói bánh chưng, bánh gù, bánh tẻ, bánh sắn, chỗ thì làm pháo đất, chỗ thì viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, tết trầu, đan gùi, thêu thổ cẩm... Buổi tối, mọi người cùng quây quần luộc bánh, rải chiếu ra sân đình ăn cỗ…
Mùa xuân, Yên Tử khai hội vào mùng 10 tháng Giêng. Lễ khai hội xuân Yên Tử thường được tổ chức trang trọng, vui tươi, mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc. Các nghi thức truyền thống năm nay vẫn được duy trì, như lời chúc phúc đầu năm, gióng trống, thỉnh chuông và các nghi lễ tâm linh như cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… Các hoạt động hội cũng phong phú, hứa hẹn không khí sôi động, rực rỡ sắc màu với phần biểu diễn rồng, lân, ca múa nhạc, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian và các hoạt động khác trong khu vực Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm và Làng Nương Yên Tử…
Hội xuân Yên Tử là một lễ hội xuân lớn trong cả nước và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm, thu hút đông đảo du khách bốn phương về với Yên Tử. Chính vì vậy, TP Uông Bí đã sớm chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chức năng, doanh nghiệp liên quan có sự phối hợp, chuẩn bị chu đáo cho mùa hội xuân năm nay cũng như việc đón tiếp du khách hành hương trong cả năm 2024.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị kinh doanh các dịch vụ chủ đạo tại Yên Tử, cho biết: Năm nay, các không gian dưới chân núi được đơn vị chăm chút kỹ lưỡng, trang trí đẹp hơn, khí thế hơn với hình ảnh linh vật rồng chầu về Yên Tử ngay tại cổng Khai tâm. Khu vực này vốn trang trí hoa tươi quanh năm, dịp hội xuân năm nay sẽ có thêm những cây bưởi, đào, quất mang cảnh sắc mùa xuân đặc trưng của người Việt. Quảng trường Minh Tâm, nơi sẽ diễn ra lễ khai hội xuân Yên Tử năm nay, cũng được trồng thêm hoa, cỏ đẹp hơn. Không gian cho du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm bắn cung, mặc cổ phục, cưỡi ngựa, các gian hàng… đều có sự chỉnh trang lại.
Năm nay, cung Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thành với sự độc đáo về kiến trúc, nội thất, hệ thống tượng Phật, tạo thêm một điểm nhấn cho du khách khi về với Yên Tử. Vì vậy, chúng tôi sẽ hướng du khách đi theo hành trình tâm linh từ chân núi là qua cổng Khai tâm, hồ nước gương Kính tâm, sân Minh Tâm, vườn hoa Tâm tới cung Trúc Lâm, qua suối Giải Oan, chùa Giải Oan rồi mới vào nhà ga cáp treo hoặc theo đường bộ lên núi tham quan, lễ Phật tại các điểm chùa.
Yên Tử là một hệ thống chùa từ dưới chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng cao 1.068m. Chính vì vậy, việc rà soát về cơ sở vật chất đảm bảo sự an toàn, thuận lợi cho du khách hành hương được các đơn vị rất chú trọng. Qua tìm hiểu được biết, cho tới nay, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã hoàn thành việc chỉnh trang hệ thống biển chỉ dẫn, sơ đồ, biển báo cũng như đã sửa chữa toàn bộ hệ thống lan can trên tuyến đường hành hương bộ từ chùa Hoa Yên đi chùa Vân Tiêu và đi An Kỳ Sinh, đoạn từ chùa Một Mái đi Bảo Sái lên An Kỳ Sinh và từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng.
Đơn vị cũng đã sửa chữa, lát gạch khu vực phía Đông sân chùa Hoa Yên; sửa chữa, bảo dưỡng các bậc đá bị bong, bật trên toàn bộ tuyến đường hành hương bộ từ chùa Giải Oan - Hoa Yên - Một Mái - Bảo Sái - An Kỳ Sinh; đoạn từ Hoa Yên - Vân Tiêu - An Kỳ Sinh; khu vực đường lên, đường xuống xung quanh khu vực chùa Đồng…
Phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ
Các đơn vị có trách nhiệm trong khu vực Yên Tử như Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Công an thành phố, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, Đội Quản lý thị trường số 6, Hạt Kiểm lâm thành phố, UBND phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công đã xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực diễn ra lễ khai hội và các di tích của Yên Tử.
Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức khám sức khỏe; tập huấn, trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Yên Tử; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch; niêm yết giá các dịch vụ theo quy định.
Hạt Kiểm lâm thành phố đã phối hợp triển khai ký cam kết đối với các nhà hàng kinh doanh ăn, nghỉ trong khu di tích, thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, không bày bán, treo mắc các loại thịt động vật tươi sống trước các quán hàng.
UBND phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công đã tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh trên địa bàn dọc tuyến vào Khu di tích và danh thắng Yên Tử nhằm đảm bảo thực hiện cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, đúng quy định. Yêu cầu các hộ kinh doanh tuyệt đối không được chèo kéo, mời chào khách thiếu văn minh lịch sự; không để xảy ra các hành vi gây phản cảm, tiềm ẩn các yếu tố gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn tại Yên Tử cũng được chú trọng. Theo đó, các đơn vị đã rà soát tất cả các điểm chùa về trang thiết bị PCCC, đôn đốc các chùa tổng vệ sinh dọn kho tàng, nhất là nơi chứa nến, hương; đề nghị mua sắm, sửa chữa các phương tiện PCCC; kiểm tra hệ thống đường nước, bể chứa nước, bể hóa sớ... Khu di tích Yên Tử đã được Đội cảnh sát PCCC Công an thành phố đến kiểm tra tại các điểm chùa trên toàn tuyến Yên Tử và đánh giá cao công tác chuẩn bị các phương tiện PCCC...
Như vậy là cho tới nay, công tác chuẩn bị cho hội xuân Yên Tử 2024 đã sẵn sàng. Tất cả đều hướng tới mục tiêu một mùa hội xuân an toàn, vui tươi, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hoá tâm linh của người dân và du khách bốn phương, góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề xuất UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()