Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:59 (GMT +7)
Xuân về trên bản làng của người Sán Chay
Chủ nhật, 12/01/2025 | 08:43:47 [GMT +7] A A
Những ngày cuối cùng của năm cũ Giáp Thìn dần qua đi, năm mới Ất Tỵ đang sắp sửa về với quê hương Quảng Ninh. Trên các bản làng của người Sán Chay ở Quảng Ninh dường như mùa xuân năm nay cũng thắp lên những chồi xanh hy vọng mới.
Dân tộc Sán Chay ở Quảng Ninh do biến âm của thổ ngữ mà có nhiều tên gọi khác nhau, như: Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ đều có nghĩa là người ở trên núi (sơn tử). Tại Quảng Ninh, dân tộc Sán Chay gồm 2 nhóm Cao Lan và Sán Chỉ, sống tập trung ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và một số ít ở Đầm Hà. Trong những năm qua, đồng bào Sán Chay luôn đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, tích cực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Từ xa xưa đến nay, đời sống của bà con dân tộc Sán Chay chủ yếu dựa vào rừng. Tháng 9/2024, khi cơn bão số 3 (Yagi) tràn qua đi kèm với lũ về sau đó, kinh tế lâm nghiệp của đồng bào đã bị phá hoại nghiêm trọng với nhiều cánh rừng trồng đã bị gãy đổ không thể khắc phục. Vì vậy, thời gian qua, bà con bắt tay vào ươm lại những mầm xanh để bắt đầu cho một chu kỳ sản xuất mới sau bão.
Tại huyện Ba Chẽ, dân tộc Sán Chay là dân tộc thiểu số có dân số lớn thứ 4 trong 14 dân tộc trên địa bàn, chiếm khoảng 18,33% dân số toàn huyện, tập trung đông nhất ở các xã Thanh Sơn, Đạp Thanh, Thanh Lâm và rải rác ở một số xã khác. Trong đó, xã Thanh Sơn có đông người Sán Chay nhất, chiếm tới 57,66% dân số xã. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết: Xã có tổng số 1.884 người, trong đó, dân tộc Sán Chay 1.035 người, chiếm 54,93% dân số toàn xã, gồm cả 2 nhóm Cao Lan, Sán Chỉ, phân bố ở 7 thôn, trong đó sống tập trung đông nhất ở các thôn Khe Lò, Khe Pụt, Bắc Văn, Khe Lọng Trong, Khe Lọng Ngoài...
Đến bản làng người Sán Chay vào mùa xuân, không khó để du khách bắt gặp các cuộc thi làm bánh dày, thi gói bánh gio, bánh vắt vai, bánh coóc mò. Tại các bãi đất trống diễn ra các trò chơi dân gian; các môn thể thao kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn và chạy vượt đồi núi. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động này, thưởng thức các làn điệu soóng cọ đằm thắm, mượt mà, tình tứ, các điệu múa tắc xình, múa xúc tép, múa chim gâu rất uyển chuyển, hay là được xem các bà các mẹ, các chị em gái thêu hoa văn, đan lát...
Tại các chợ phiên, du khách có thể mua sắm nhiều mặt hàng đặc trưng của địa phương, cũng như hòa mình vào không gian văn hóa ẩm thực độc đáo của người Sán Chay… Mỗi một sản phẩm mua từ chợ phiên là một món quà ý nghĩa gửi tặng nhân dân và du khách gần xa, tạo cầu nối văn hóa để thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước. Tất cả đều phản ánh cuộc sống lao động sản xuất mộc mạc, chân tình, gần gũi với thiên nhiên của đồng bào Sán Chay.
Vào mùa xuân, bản làng của người Sán Chay lại nhiều đám cưới hơn các mùa khác trong năm. Phong tục cưới hỏi của người Sán Chay không chỉ là sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên. Sau khi đôi trai gái tìm hiểu nhau đến chín muồi, hai bên gia đình thực hiện nghi lễ. Trong đó, lễ đón dâu là một nghi thức đặc sắc trong lễ cưới của người Sán Chay. Đám cưới là kết tinh của tình yêu, hạnh phúc đôi lứa và còn là báo hiệu một mùa xuân ấm áp, yên vui về với đồng bào Sán Chay..
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()