Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:07 (GMT +7)
Xuất khẩu gạo: Thận trọng trước cơ hội lớn
Thứ 6, 28/07/2023 | 08:25:21 [GMT +7] A A
Vài ngày sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nhiều quốc gia chuyển hướng sang tích trữ lương thực để ứng phó với EL Nino, giá gạo tháng 7 liên tục tăng đang mang lại cơ hội hiếm có cho hạt gạo Việt Nam.
Đây vừa là thời cơ phát triển thị trường, gia tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo nhưng cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Nhận định từ giới phân tích: Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo.
Sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng 7 (1-15/7) cả nước xuất khẩu 249.273 tấn gạo, kim ngạch đạt 135.45 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch tăng trưởng cao hơn lượng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu năm nay cũng cao hơn cùng kỳ 2022. Cụ thể, từ đầu năm đến 15/7, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn.
Cùng đó, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều ở châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indonesia và có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2022.
Theo các chuyên gia, chỉ vài ngày sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá lúa OM18 đã tăng 10%. Cụ thể, vào ngày 20/7, giá lúa tươi OM18 mua tại đồng là 6.300 đồng/kg nhưng đến ngày 25/7 giá đã tăng lên 6.900 - 7.000 đồng/kg. Mặc dù thách thức với đơn hàng đã ký nhưng doanh nghiệp vẫn xem đây là cơ hội giúp hạt gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cộng với xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ khiến thị trường gạo bị thiếu hụt nguồn cung. Đây là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xuất khẩu vươn lên và doanh nghiệp sẽ đàm phán dễ dàng hơn trong các thương vụ xuất khẩu gạo. Đặc biệt, những hợp đồng ký mới sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp và là tín hiệu vui với những người trồng lúa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng tỏ ra lo ngại khi công ty đang có lượng đơn hàng xuất khẩu ký hợp đồng từ trước rất ổn định. Thế nhưng, nếu giá gạo tăng lên trong thời gian tới, doanh nghiệp có thể gặp thua lỗ với những hợp đồng đã ký từ trước vì giá gạo chốt từ đầu năm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khó khăn của xuất khẩu hàng hóa nói chung, nhiều mặt hàng vẫn đạt được kết quả cao; trong đó, có xuất khẩu gạo. Đây cũng là kết quả rất tích cực, thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp trong mở rộng thị trường cũng như sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu. Nhưng, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ hết thóc gạo cho người dân, một trong những mục tiêu quan trọng khác là đảm bảo an ninh lương thực.
Cùng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, dù là cơ hội cho gạo Việt Nam tiếp cận thêm thị trường, giá gạo tăng cũng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo. Thế nhưng, trong bối cảnh thiên tai bất thường và tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới bất ổn, xuất khẩu gạo không phải là lĩnh vực ưu tiên.
Bằng chứng là tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được phê duyệt cuối tháng 5/2023, mục tiêu đưa ra đến năm 2030 sẽ giảm khối lượng xuất khẩu xuống chỉ còn 4 triệu tấn với kim ngạch, tương đương chỉ là 2,26 tỷ USD. Cùng đó, chấp nhận nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.
Lý do được giới phân tích đưa ra là cần đảm bảo an ninh lương thực, bởi nếu như nhiều nước, nhất là Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tăng cường dự trữ cho thấy nguy cơ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, mặc dù Việt Nam là nước chuyên xuất khẩu nhưng các chuyên gia cảnh báo nếu có bao nhiêu, xuất bấy nhiêu sẽ tạo ra sự mất cân đối, đặc biệt nguồn gạo dự trữ không đảm bảo.
Xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh bày tỏ: Có thể thấy, việc xuất khẩu gạo và an ninh lương thực đang trở thành vấn đề lớn khi xung đột Nga-Ukraine cũng như những bất ổn khác trên thế giới đang báo động về nguy cơ thiếu lương thực.
Trước bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã yêu cầu ngừng xuất khẩu và tạm trữ lúa gạo. Đây là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam xuất khẩu ra thế giới để từ đó đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu của ngành tương đối quan trọng của đất nước.
Ông Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp cần thận trọng về giá cả lương thực có thể lên hoặc xuống tuỳ theo việc giải quyết lương thực của thế giới trong thời gian tới. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai nếu có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo có lãi; đồng thời không nên kìm giữ giá hoặc tích trữ đợi tăng giá tránh rủi ro.
“Việt Nam là nước sản xuất lương thực lớn và có nguồn dự trữ tương đối cao. Thế nhưng, vẫn cần đảm bảo bài toán an ninh lương thực cho quốc gia trong khoảng thời gian gối vụ, tránh rơi vào tình trạng khó khăn về lương thực trong tương lai”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra Thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo.
Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023; lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Lệnh cấm xuất khẩu này có kéo dài hay không phụ thuộc vào sản lượng diện tích gieo trồng, chỉ số tiêu dùng các mặt hàng; trong đó, có lúa gạo và còn phụ thuộc những yếu tố khác. Đặc biệt, Ấn Độ vẫn có thể xem xét áp dụng việc xuất khẩu qua hình thức giữa chính phủ với chính phủ.
“Trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang biến động, giá thóc trong nước và giá xuất khẩu gạo cũng biến động tương tự, doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký kết hợp đồng”, ông Bùi Trung Thướng lưu ý.
Thực tế cho thấy, không phải đến khi Ấn Độ có thông báo chính thức về việc cấm xuất khẩu gạo, mà ngay khi có thông tin quốc gia này rà soát và xem xét, không ít doanh nghiệp đã quyết định tạm ngưng chào giá ký hợp đồng mới nhằm tập trung lo cho hợp đồng đã ký trước đó.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho hay: Gần đây, nguồn cung gạo khan hiếm cộng với thông tin Ấn Độ dừng xuất khẩu nên nhiều khách hàng đặt vấn đề đàm phán mua gạo nhiều hơn từ Việt Nam.
Tuy nhiên, lượng đơn hàng doanh nghiệp ngành gạo đã ký trước đó còn nhiều, trong khi giá thị trường nội địa tăng cao (có ngày tăng 100-200 đồng/kg) và doanh nghiệp chưa sẵn sàng lượng hàng tồn kho nên ngại đàm phán ký mới trong thời điểm này.
Tương tự, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) chia sẻ, việc khách hàng nhập khẩu tập trung sang nguồn cung từ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Bởi lẽ, Ấn Độ dừng bán, trong khi diện tích trồng cây lương thực sụt giảm rất nhiều nên các nước muốn tăng mua để đề phòng rủi ro. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá lúa gạo của Việt Nam tăng rất cao.
“Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đau đầu vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa của nông dân. Do đó, doanh nghiệp hiện nay hạn chế, thậm chí dừng ký mới để lo hợp đồng cũ”, ông Phạm Thái Bình bày tỏ.
Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Mặt khác, yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()