Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:22 (GMT +7)
Xuất khẩu nông nghiệp kỳ vọng đạt mục tiêu 44 tỷ USD trong năm 2021
Thứ 2, 04/10/2021 | 16:52:43 [GMT +7] A A
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu từ các thị trường - đặc biệt là Mỹ và EU - có nhiều tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam cần được tạo điều kiện được hoạt động tối đa công suất để tận dụng cơ hội.
Dịch COVID-19 khiến xuất khẩu nông, lâm thủy sản trong hai tháng Bảy-Tám năm 2021 có sự giảm sâu. Với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm sản, thủy sản trong những tháng còn lại kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp vẫn đạt mục tiêu 44 tỷ USD trong năm 2021.
Chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội không chỉ khiến mục tiêu xuất khẩu khó hoàn thành mà còn ảnh hưởng lớn đến việc tái thả nuôi của nông dân. Điều này kéo theo nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có từ 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3-6 tháng và phải mất khoảng 1,5-2 năm mới khôi phục 100% công suất.
Xuất khẩu tôm lo sản xuất không kịp nhu cầu
Tôm - mặt hàng chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu thủy sản - đã duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số sang thị trường EU. Tuy nhiên, từ tháng Tám, xuất khẩu mặt hàng này sang EU bắt đầu giảm mạnh. Những khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến đã tác động lên kim ngạch xuất khẩu tôm.
Theo VASEP, sau một năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng khá.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu từ các thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, phục vụ lễ hội cuối năm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, đơn đặt hàng nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký vì lo sản xuất không đủ để đáp ứng.
Để phục hồi sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để nhà máy sản xuất càng tối đa công suất càng tốt.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, thời gian qua, các cường quốc về tôm trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia… cũng bị dịch COVID-19 hoành hoành.
Chuỗi cung ứng tôm của các nước này ít nhiều bị gãy đổ khiến sức cung tôm trên thị trường thế giới bị sụt giảm.
Trong bối cảnh này, dù lượng cung tôm ra thị trường thế giới giảm nhưng Việt Nam không ngại mất khách hàng hay mất thị trường vì các đối thủ cũng đang gặp khó và thậm chí còn khó hơn Việt Nam.
Xuất khẩu gạo lo ứng phó giá cước vận tải
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng trong tình trạng tương tự. Doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng Tám/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó, bởi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex Group cho biết giá cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, trong khi tàu hàng vào cảng lâu, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Các doanh nghiệp cố gắng giao hàng với những thị trường trong khu vực châu Á nhằm giảm chi phí.
Tuy đã có 4 tháng liên tiếp giá trị xuất khẩu rau quả giảm, nhưng ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, thị trường xuất khẩu rau quả trong quý 4 có thể khả quan khi kinh tế các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ hồi phục, nhu cầu sẽ tăng trở lại.
Nhiều biện pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Để phục hồi sản xuất, tận dụng cơ hội này, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động trong chuỗi sản xuất.
Về dài hạn, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp; đồng thời sản xuất theo nhu cầu thị trường và đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.
Ông Bình cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm, song song mở rộng thị phần tại châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt lệ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm sản xuất, xuất khẩu nông sản cần được tăng tốc đầu tư hạ tầng cơ sở từ giao thông, bến bãi, cảng sông, biển đến nhà xưởng chế biến, kho tàng, phương tiện vận chuyển...
Tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thị trường, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, doanh nghiệp cần tập trung vào các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU để duy trì ổn định xuất khẩu.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đàm phán trực tuyến kịp thời với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc… để gỡ khó khăn cho từng mặt hàng, từng cửa khẩu khi có vướng mắc.
Hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao. Vì vậy, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
Về phía doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu thị trường tốt, tuy nhiên việc làm sao để doanh nghiệp được hoạt động tối đa công suất vẫn rất cần chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân.
Cùng với đó là các địa phương có quy định cụ thể, linh hoạt hơn trong phòng chống dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đây là cơ hội để các ngành hàng, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với phục hồi sản xuất, xuất khẩu cũng là một trong những mục tiêu quan trọng Chính phủ giao cho Bộ.
Do đó, ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được lưu thông tốt nhất, bán được giá nhất. Bên cạnh việc khắc phục khó khăn, sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín thì sẽ đảm bảo lương thực, thực phẩm và xuất khẩu đạt được mục tiêu./.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()