Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 18:01 (GMT +7)
Xuất khẩu nông sản "vàng đen" hồ tiêu: Sẽ tiếp tục phá kỷ lục
Thứ 5, 28/11/2024 | 09:36:37 [GMT +7] A A
Ước tính xuất khẩu hồ tiêu sẽ lập mốc kỷ lục mới 1,4 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt, với hướng đi vào thị trường Halal, dự báo sẽ tiếp tục phá kỷ lục thời gian tới.
Dành lại mốc 1 tỷ USD sau 10 năm
Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2024, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta đạt 18.415 tấn, trị giá 120,6 triệu USD, tăng 7,7% về lượng, đồng thời tăng 9,1% về trị giá so với tháng trước. Như vậy, luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 218.732 tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng đến 47% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với con số này, sau 10 năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã dành lại được mốc 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2024 cao hơn 51,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt bình quân 5.077 USD/tấn.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA, ước tính xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có thể đạt 1,4 tỷ USD trong năm nay. Đây là mốc kỷ lục mới của ngành. Kết quả đó là nhờ thời gian qua, giá hồ tiêu đang trong chu kỳ tăng và hiện duy trì mức cao gần gấp đôi các năm trước. Ngày 26/11, mức giá giao dịch tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 140.000 – 141.000 đồng/kg.
Ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nguồn cung cấp gia vị chất lượng cao, được sản xuất bền vững, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Đức, UAE...
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm 29,3% khối lượng và 30,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 64.112 tấn, trị giá 337,8 triệu USD, tăng 48% về lượng và 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Đức đứng thứ hai, tăng tới 82,3% về lượng và gấp 2,4 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14.346 tấn, trị giá 79,6 triệu USD, chiếm 6,6% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng. Tiếp theo là các thị trường: UAE với 13.575 tấn, chiếm 6,2%, tăng 35,9%; Ấn Độ với 9.462 tấn, chiếm 4,3%. Ngoài ra, lượng tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pakistan, Ai Cập, Thái Lan, Pháp,… đều tăng trưởng ở mức 2 con số.
Chiếm lĩnh thị trường Halal
Hiện nay, cả nước có hơn 115.000 ha hồ tiêu và cây gia vị, tập trung phần lớn ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ – Tây nguyên với hơn 75.300 ha; còn lại ở khu vực Nam bộ và phía Bắc.Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn, chiếm khoảng 11% thị phần hồ tiêu và gia vị toàn cầu.
Trao đổi với báo giới về tiềm năng xuất khẩu hồ tiêu thời gian tới, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nước ta đang nỗ lực để đưa ngành hồ tiêu gia vị trở thành ngành nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững để không chỉ duy trì sự hiện diện và vị thế ở các thị trường thị trường truyền thống mà còn xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường Halal ở Indonesia, Trung Đông…"Đây là một thị trường đầy tiềm năng cho hồ tiêu Việt. Thị trường xuất khẩu sang Halal được nhận định mức tiêu thụ về thực phẩm, gia vị dự kiến khoảng 10.000 tỷ USD", ông Dương nhấn mạnh.
Hiện nay, việc cấp chứng nhận Halal vẫn là một trong những thách thức lớn khi các tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo. Mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn riêng và sẽ cấp chứng nhận theo từng quốc gia hoặc khu vực. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kĩ thị trường trước khi lên kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành, ngành Hồ tiêu đang đối mặt với rất nhiều thách thức. "Đầu tiên phải kể đến là sự biến đổi khí hậu, bị thu hẹp diện tích, chi phí đầu tư vào tưới tiêu và phòng ngừa dịch bệnh để duy trì năng suất....gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh", anh Nguyễn Thế Phương - Giám đốc Công ty TM - XK Việt Phương chia sẻ với phóng viên VTV Times.
Riêng đối với thị trường Halal, ông Dương cho biết, thị trường này có rất nhiều tiêu chuẩn riêng. Tại Việt Nam đã có tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận này. Doanh nghiệp cần hướng đến sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal bởi người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm như vậy. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý, thị trường Halal cũng giống như các thị trường khác ở chỗ, mỗi quốc gia có những yêu cầu riêng và doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí đó.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()