Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 00:50 (GMT +7)
Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu mới
Thứ 2, 06/01/2025 | 11:06:36 [GMT +7] A A
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 về đích ấn tượng với con số 10 tỷ USD, giữ vững vị trí xuất khẩu thủy sản thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Na Uy), thị trường bao phủ cả 5 châu lục với hơn 170 quốc gia. Điều này cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời cũng là nền tảng vững chắc để ngành thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu là động lực quan trọng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2025. Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản dự báo sẽ tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, các thị trường mới nổi như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông cũng mở ra cơ hội lớn nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm thủy sản chất lượng.
Phát triển vững chắc thị trường trọng điểm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2024 về đích với con số 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. Đóng góp lớn nhất vào con số này là hai mặt hàng chủ lực tôm và cá tra, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra ước đạt 2 tỷ USD.
Ở nhóm hải sản, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, nhưng xuất khẩu cá ngừ vẫn đem về 1 tỷ USD… Trong những tháng cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản "bứt tốc" mạnh mẽ, đánh dấu bằng tháng 10, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu sau 27 tháng, kể từ tháng 6/2022, xuất khẩu thủy sản theo tháng trở lại mức tỷ USD.
Sự tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản năm 2024 đến từ sự bứt phá của các thị trường trọng yếu, khi giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường tiêu thụ chính ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Nửa cuối năm 2024 cũng là giai đoạn đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó, Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong việc đưa con tàu xuất khẩu thủy sản Việt Nam quay trở lại con đường cao tốc tăng trưởng.
Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 6 năm qua dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD/năm. Tính tới cuối tháng 11/2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ, trong đó hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều tăng mạnh.
Mặc dù luôn phải đối mặt các chính sách bảo hộ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhưng nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn và việc chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện đã giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này. Các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Trung Quốc năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt mức 1,9 tỷ USD, trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm, nhưng xuất khẩu tôm chân trắng, tôm hùm, cua, ốc đều tăng mạnh, cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc rất lớn và đóng góp một phần rất quan trọng trong kết quả 10 tỷ USD xuất khẩu chung của toàn ngành thủy sản. Cơ hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2025 vẫn rất lớn do nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ của thị trường này, nhất là đối với những dòng sản phẩm tươi sống, cao cấp, như tôm hùm, cua, ốc, nghêu, ngao…
Tại thị trường EU, nơi mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, thủy sản Việt Nam có thuận lợi lớn nhờ Hiệp định EVFTA. Những mặt hàng được hưởng ưu đãi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực đã tăng trưởng khả quan, điển hình là mặt hàng tôm nguyên liệu khi mức thuế suất vào EU được giảm xuống 0%.
Dự báo, cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến khi các doanh nghiệp nước ta tích cực đẩy mạnh những sản phẩm được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Việc EU có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với sản phẩm thủy sản từ Nga cũng tạo thêm lợi thế cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam trong năm 2024 (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Các nhà sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ duy trì vị trí vững chắc trong thị trường này nhờ ưu điểm xuất khẩu tôm chất lượng ngày càng cao, hàm lượng chế biến giá trị gia tăng lớn hơn so với các nhà xuất khẩu tôm đến từ các quốc gia khác.
Tiến sâu thị trường tiềm năng, đặc thù
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành công của năm 2024 là kết quả của việc triển khai đồng bộ các đề án và chính sách xuất khẩu. Từ năm 2023, ngành đã đẩy mạnh nhiều chương trình thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thêm nhiều thị trường mới có tiềm năng như Trung Đông, thị trường Halal và châu Phi.
Với mức tăng trưởng ấn tượng 19,2% trong năm 2024, Trung Đông đang vươn lên trở thành một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Sản phẩm chủ lực như cá ngừ và cá tra ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này đạt 334 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.
Tới cuối năm 2024 tăng lên 368 triệu USD, đưa Trung Đông lần đầu nằm trong tốp 2 thị trường nhập khẩu thủy sản có tăng trưởng mạnh nhất (sau Trung Quốc) nhờ việc các công ty chế biến thủy sản tập trung phát triển mạnh các sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal.
Tại Trung Đông, các nước Israel, Saudi Arabia, UAE và Qatar là những thị trường xuất khẩu thủy sản đầy tiềm năng, với mức tăng trưởng tốt và nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao. Israel hiện là quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong khu vực, chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Đông, đạt mức tăng trưởng 35% trong năm 2024. Xuất khẩu sang các quốc gia khác như UAE, Saudi Arabia và Qatar cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao hai con số.
Trung Đông không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn mà còn là khu vực chiến lược để mở rộng xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra các thị trường lân cận. Với mức tăng trưởng ổn định, chính sách khuyến khích từ Chính phủ, cùng với các sản phẩm ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đây sẽ là một thị trường quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam trong tương lai.
Việc tận dụng tốt cơ hội, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Halal cũng sẽ giúp ngành thủy sản nước ta đến với thị trường hàng tỷ người Hồi giáo trên thế giới, trong đó có những thị trường thuận lợi về mặt địa lý như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Bangladesh..., nơi có nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal với số lượng lớn.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, để tiến tới mục tiêu mới 11 tỷ USD. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao cam kết luôn đồng hành các doanh nghiệp trên con đường phát triển ngành thủy sản, thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là kết nối đối tác; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các khu vực mới như Trung Đông, Mỹ Latin…; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, rào cản thương mại cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các dự án có tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo đột phá…
Để phát triển bền vững ngành thủy sản, có thêm sức cạnh tranh, vượt qua những khó khăn được dự báo trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân, ngư dân trong ngành thủy sản thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác, khách hàng. Cùng với đó, tích cực liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()