Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:18 (GMT +7)
Hoa hồng cao, lãi suất lớn mà không dựa vào việc bán hàng là dấu hiệu của hành vi lừa đảo
Chủ nhật, 10/04/2016 | 08:18:22 [GMT +7] A A
(Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)
- Thực tế cho thấy, hoạt động BHĐC rất dễ bị lợi dụng để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Đề nghị đồng chí cho biết công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này ở tỉnh từ trước đến nay ra sao?
+ Triển khai các văn bản của Chính phủ, Bộ Công Thương, nhất là Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 về quản lý hoạt động BHĐC, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn số 1096/UBND-TM1 ngày 7-3-2016 về tăng cường quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát và tuyên truyền về hoạt động này.
Trong công tác tuyên truyền, Sở đã phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tổ chức 2 hội thảo về BHĐC; thành lập đường dây nóng để tư vấn và tiếp nhận các phản ánh, khiếu tố về những vi phạm trong hoạt động này. Ngày 17-3-2016, Sở có công văn số 533/SCT-QLTM2 gửi kèm các tài liệu tuyên truyền về hoạt động BHĐC, đề nghị các địa phương, đoàn thể, các cơ quan báo chí phối hợp giám sát các công ty BHĐC; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BHĐC. Đồng thời vận động nhân dân tố giác các vi phạm, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi lừa đảo, gian lận trong hoạt động BHĐC...
Đường dây nóng tiếp nhận, tư vấn, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người dân về hoạt động BHĐC Sở Công Thương công bố đường dây nóng tiếp nhận, tư vấn, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người dân về hoạt động BHĐC, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm: ĐT: 0904.055.779, ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương;ĐT: 0923.262.148, ông Nguyễn Bỉnh Lại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường; ĐT: 0913.262.289, ông Đào Văn Đức, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Đội hàng giả); ĐT: 0913.263.566, ông Hoàng Đạo Mơ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 (TP Hạ Long); ĐT: 0904.175.288, ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh. |
Trước khi xác nhận, Sở đều gửi hồ sơ của các DN cho Công an tỉnh, Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, UBND các địa phương để phối hợp cung cấp thông tin về các DN thông báo hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị các đơn vị phối hợp trao đổi, giám sát, quản lý hoạt động BHĐC. Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã tham mưu thành lập 2 đoàn liên ngành do Sở Công Thương làm trưởng đoàn, kiểm tra hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục QLTT tỉnh nắm bắt tình hình, giám sát hoạt động, xử lý vi phạm (nếu có); thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường tham vấn với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương các vấn đề thực tiễn trong công tác quản lý BHĐC.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý đối với hoạt động BHĐC, chúng tôi cũng gặp những khó khăn, vướng mắc, trong đó các quy định của pháp luật về hoạt động này còn nhiều kẽ hở và chưa hoàn thiện. Để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo và cảnh báo những ai đang tham gia vào các hoạt động BHĐC bất chính, Sở Công Thương khuyến cáo một số nội dung sau:
Tìm hiểu thật kỹ DN mà mình đang dự định ký hợp đồng tham gia BHĐC và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thông tin về các DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC được công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (www.vca.gov.vn). Nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC để biết và bảo vệ quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng. Cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hoá như công dụng của sản phẩm, lợi ích kinh tế khi tham gia mạng lưới BHĐC. Cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động BHĐC của DN và của bản thân các nhà phân phối. Mọi lời chào tham gia vào hoạt động BHĐC có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hoá đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hoá đều bị pháp luật nghiêm cấm. Theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động BHĐC của DN; mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần lưu ý sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Nhà phân phối có quyền yêu cầu DN mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. DN BHĐC có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối. Ngoài thời hạn này, DN không có nghĩa vụ mua lại sản phẩm cho nhà phân phối. Vì vậy, nhà phân phối cần tránh mua lượng hàng hoá quá lớn, không phù hợp với khả năng tiêu dùng hoặc bán lại của mình.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Hà (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()