Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:23 (GMT +7)
Hạ Long: Đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I
Thứ 7, 11/09/2021 | 12:41:37 [GMT +7] A A
Trước khi sáp nhập, TP Hạ Long là đô thị loại I (từ năm 2013), còn huyện Hoành Bồ là đô thị loại IV (từ năm 2015). Tuy nhiên, từ năm 2020 triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sáp nhập giữa 2 địa phương có mức độ phát triển đô thị chưa tương đồng là thách thức không nhỏ để TP Hạ Long mới duy trì cấp độ đô thị loại I.
Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đô thị loại I gồm có 6 tiêu chí và 59 chỉ tiêu, có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hành chính… thuộc vùng lãnh thổ liên tỉnh; quy mô dân số từ 500.000 người trở lên; mật độ dân số bình quân từ 10.000 người/km2 trở lên; phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 50% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị…
Năm 2020, khi huyện Hoành Bồ chính thức nhập vào TP Hạ Long, cùng với nhiều thuận lợi, TP Hạ Long cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là phải giải quyết những bài toán về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái...
So với thang điểm về tiêu chí và chỉ tiêu của đô thị loại I, sau sáp nhập, TP Hạ Long bị hụt mất 6 chỉ tiêu, là: Mật độ dân số; diện tích sàn nhà ở; tỷ lệ nước thải được xử lý; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; mật độ đường giao thông chính và quy chế quản lý quy hoạch; kiến trúc tổng thể chương trình phát triển đô thị thành phố chưa được phê duyệt. Được biết, hầu hết các chỉ tiêu đô thị loại I còn thiếu của TP Hạ Long đều nằm tại khu vực phía Bắc (huyện Hoành Bồ trước đây), khu vực có mức độ đô thị hóa thấp (khoảng 21,5%); hệ thống đô thị trong vùng còn phân bố không đều, chưa phát triển đồng bộ...
Ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu giữ vững đô thị loại I, tạo không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn cho thành phố thủ phủ, hướng tới trở thành mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của tỉnh và khu vực phía Bắc, thêm không gian để thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ... TP Hạ Long đã thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, bù đắp các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu.
Cụ thể, đối với chỉ tiêu về mật độ dân số, diện tích sàn nhà ở, TP Hạ Long đang ưu tiên nguồn lực, tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu đô thị, khu dân cư, chung cư cao tầng, khách sạn, KCN để thu hút nhân dân đến làm việc, sinh sống, du lịch. Đến nay đang có 47 dự án về hạ tầng được triển khai, chủ yếu là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Đối với chỉ tiêu tỷ lệ nước thải được xử lý, hiện mới đạt 33% (theo chỉ tiêu cần đạt tối thiểu 40%), thành phố đang đẩy nhanh tiến độ và triển khai thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ODA để thu gom nước thải trên địa bàn. Thành phố đang nghiên cứu vị trí để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho phường Hoành Bồ và các xã dự kiến lên phường là Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương.
Để đảm bảo chỉ tiêu cần tối thiếu 16% tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng, hiện thành phố đang tập trung thi công các tuyến đường đấu nối QL279 đến tỉnh lộ 342 chiều dài 4,6km; đường nối QL279 với tỉnh lộ 326 đoạn qua CCN Hoành Bồ và trung tâm xã Thống Nhất với chiều dài 3,82km; đường kết nối từ cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng (phường Giếng Đáy) với chiều dài 0,5km. Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu đầu tư các tuyến đường mới có bề rộng phần xe chạy >7,5km, quyết tâm trong năm 2022 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.
Riêng chỉ tiêu về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tổng thể chương trình phát triển đô thị, thành phố đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng mới 1 nhà tang lễ tại phường Hà Khánh (sau Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) với quy mô 3,6ha, trong đó diện tích xây dựng 3.600m2.
Ngày 7/9 vừa qua, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành thẩm định quy hoạch đều đồng tình, đánh giá cao và ủng hộ quy hoạch điều chỉnh của TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050 theo Quyết định số 702-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các giải pháp nhanh chóng, đồng bộ đã giúp TP Hạ Long đảm bảo giữ vững là đô thị loại I. Không những vậy, hiện thành phố còn là đô thị loại I lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc, đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng… Đây sẽ là hạt nhân quan trọng để sớm thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()