Tất cả chuyên mục

Với 2 sự phát hiện mới về Ngoạ Vân và Hồ Thiên (thuộc huyện Đông Triều) đã khiến không gian di sản Yên Tử được mở rộng và nối liền suốt dải núi Yên Tử từ thị xã Uông Bí đến huyện Đông Triều ngày nay.
20km có tới 11 ngôi chùa
Hiếm có di sản nào có mật độ chùa dày đặc và đặc sắc như Yên Tử. Chỉ tính chặng đường hành hương từ chân núi lên đỉnh cao 1.068m của núi Yên Tử dài khoảng 20km đã có 11 ngôi chùa cùng rất nhiều am, tháp.
Trước kia, khi chưa phục dựng chùa Trình tại chân Dốc Đỏ, cạnh quốc lộ 18 bây giờ thì cửa ngõ đường vào Yên Tử là Cửa Ngăn. Những người già kể rằng con đường Yên Tử là con đường của Phật nên trước tiên phải qua Cửa Ngăn để ngăn bụi trần. Xưa kia Cửa Ngăn là con dốc cao thuộc thôn Bí Thượng, ngày nay con dốc này đã được hạ thấp. Nơi đây có ngôi miếu thờ nữ thần và chùa Suối Tắm, nơi Trúc Lâm trước khi nhập thiền đã tắm ở đây.
Qua Suối Tắm là chùa Cầm Thực, tương truyền vua Trần Nhân Tông dốc chí tu hành, từ kinh thành Thăng Long xa xôi đến đây, người đã nhịn ăn chỉ uống nước để cầm hơi.
Đi tiếp, qua dốc Mụ Chị, Mụ Em, đến Long Động tự còn gọi là chùa Lân. Nơi đây có 25 ngọn tháp bằng gạch đá, đẹp nhất là tháp Tịnh Quang, nơi giữ xá lị sư Tuệ Đăng. Thời Trần, chùa là nơi Trần Nhân Tông giảng đạo. Ngôi chùa hiện nay mới được khởi công xây dựng lại năm 2002 và gọi là Thiền viện Trúc Lâm. Chùa đã được nhiều phật tử tín tâm cúng dường nhiều hiện vật quý như quả cầu Như ý Báo Ân lớn bằng đá hoa cương đỏ, pho tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ dáng hương lấy từ Nam Mỹ.
Đến suối Giải Oan, đây là nơi những cung tần mỹ nữ xưa kia, sau khi khuyên vua hoàn tục không thành đã buông mình xuống dòng suối tuẫn tiết, để lại muôn đời sau những oan hồn mỹ nhân lẩn khuất. Phật tử khi đến Yên Tử vẫn truyền tai nhau về một đức tin, bên dòng suối này sẽ linh nghiệm cho những cầu khẩn của thân phận người phụ nữ, nhất là những phụ nữ có nỗi niềm về tình duyên, con cái.
Vượt qua dốc Dây Diều, Vá Quỳ, đến gò đất rộng và bằng phẳng phía trước hiện ra 8 ngôi tháp cổ, trong đó có 3 ngôi tháp đá cao 3 tầng, ngọn tháp cổ nhất có niên đại 1758. Đi thêm 100m nữa gặp vườn Tháp Tổ rộng khoảng 3.000m2. Nơi đây bao gồm tổng thể 97 tháp mộ với nhiều kích thước, kiểu dáng, ẩn hiện dưới hàng cổ tùng 700 năm tuổi.
Từ khu tháp Tổ đi lên theo đường lát đá, ta đến chùa Hoa Yên, nguyên là Vân Yên Tự - chùa Mây Khói, ở độ cao 543m so với mặt nước biển. Nơi đây có nhiều hoa cúc Vạn Thọ nở rực rỡ, nhìn xa như ánh hào quang, lại có cây đại cổ thụ. Chùa do thiền sư Hiện Quang khai sơn song đời Trần Nhân Tông mới được mở rộng, dựng phù đồ, lầu chuông, nhà khách, nhà dưỡng tăng, dưới sườn núi dựng nhiều nhà cửa làm nơi nghe giảng yếu chỉ Thiền tông của đông đảo tăng đồ. Hiện nay tượng Trần Nhân Tông đặt ở hậu cung, bên phải có suối Ngự Dội (suối Vua Tắm). Trước chùa Hoa Yên có Huệ Quang Kim Tháp xây năm 1309, an táng xá lợi Trần Nhân Tông, cùng hơn 40 ngôi tháp lớn nhỏ khác, đều là tháp cổ đời Trần. Sau chùa Hoa Yên là am Ngoạ Vân và chùa Một Mái. Am Ngoạ Vân tại quần thể di tích Yên Tử hiện nay từng được hiểu nhầm là vị trí vua Trần Nhân Tông viên tịch, qua các phân tích khảo cổ học cho thấy di tích này mới được dựng lên vào thời Lê Trung Hưng. Chùa Một Mái tương truyền là nơi cất giữ văn tự, sách vở của vua Trần Nhân Tông. Gọi là chùa Một Mái bởi chùa dựng gác vào vách núi, chỉ có một mái hất về phía trước.
Từ chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu hiện ra ở độ cao 700m, đường dốc khó đi, nơi đầu gối quá tai, khách hành hương có thể đến được chợ Trời, cổng Trời. Cổng trời là nơi có đường luồn qua vách đá. Qua cổng trời du khách không khỏi trầm trồ thán phục trước sức lực và trí tuệ của con người, với bức tượng đá nhân tạo có tên An Kỳ Sinh, cao 2,2m.
Qua hàng trăm phiến đá khổng lồ xếp nghiêng, ngôi chùa Đồng - Thiên Phúc tự nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi. Chùa vốn do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm cúng dường. Sơ khai ngôi chùa chỉ ở dạng nhỏ và cũng đã bị hư hỏng, hoặc bị đánh cắp, phải qua trùng tu nhiều lần. Đến năm 2005, UNND tỉnh và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng lại chùa với chất liệu bằng đồng, nặng khoảng 70 tấn, diện tích 20m2. Trong chùa thờ tượng Thích Ca và tượng tam tổ: Trúc Lâm, Pháp Loa và Huyền Quang. Ngôi chùa được xác lập kỷ lục ngôi chùa bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Chốn thiêng Yên Tử vẫn bị bỏ sót...
Như đã nói ở trên, năm 2008 các nhà khảo cổ học đã chính thức xác nhận am Ngoạ Vân thuộc xã An Sinh, Đông Triều là nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch. Chùa Hồ Thiên, cách di tích Ngoạ Vân không xa là nơi có mối liên quan chặt chẽ trong quá trình tu tập và giảng đạo của người. Như vậy có thể coi Ngoạ Vân là điểm linh thiêng nhất của Yên Tử, cái rốn của khối di sản này. Thế nhưng những ngày này trong khi lượng khách hành hương về Yên Tử đông đột biến, mỗi ngày có gần 40.000 lượt người, ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần tăng lên gấp rưỡi, gấp hai, thế nhưng tại Ngoạ Vân và Hồ Thiên vẫn lặng lẽ, quạnh hưu không bóng người lui tới. Hai di tích này vẫn trong tình trạng hoang phế, kéo theo đó là cả hệ thống kiến trúc văn hoá phật giáo như chùa, am, tháp, lăng mộ bị vùi lấp... Được biết Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh đã xây dựng đề án đề nghị công nhận bổ sung Ngoạ Vân và Hồ Thiên vào quần thể di tích Yên Tử và tiến hành các bước trùng tu tôn tạo, xây dựng hệ thống đường đi nối liền 2 cụm di tích phía đông và tây dãy núi Yên Tử này. Hy vọng thời gian gần chốn thiêng Yên Tử không còn hoang phế, quạnh hưu như hiện nay nữa.
Ý kiến (0)