Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 15:41 (GMT +7)
1.000 tỷ đồng trái phiếu địa phương
Thứ 5, 23/05/2013 | 06:53:23 [GMT +7] A A
Tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong nhiều công trình trọng điểm đang được tỉnh tập trung chỉ đạo sát sao. Đây chính là huyết mạch giao thông quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với ý nghĩa là công trình động lực, tuyến đường này chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá mới cho Quảng Ninh trên hành trình “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững. Không chỉ vậy, nó còn tạo sự lan toả, thúc đẩy cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Do đó, việc thực hiện dự án là một đòi hỏi cấp thiết, cần được triển khai khẩn trương.
Tuyến đường này bao gồm 2 dự án thành phần. Một là, đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao. Hai là, cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Được biết, các địa phương có liên quan đã rất nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây cũng là công trình được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngày 26-4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tình hình và tiến độ triển khai và đã có những thảo luận, thống nhất chủ trương.
Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 2-5-2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã nêu 3 nội dung quan trọng. Cụ thể, đối với dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng: Đồng ý chủ trương vay 300 tỷ đồng từ nguồn vốn hợp pháp của nhà đầu tư dự án với lãi suất tối đa bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ (tại thời điểm phát hành trái phiếu) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn trong phạm vi thực hiện dự án. Yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết thực hiện dự án, trường hợp nhà đầu tư không thực hiện dự án thì tỉnh không hoàn trả kinh phí đã vay.
Trong thời hạn 5 năm (2014-2018), mỗi năm trước khi phân bổ vốn đầu tư phát triển hàng năm, ngân sách tỉnh dành ít nhất 1.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và hoàn trả kinh phí vay.
Đối với dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến: Tỉnh chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác so với dự kiến (tăng hoặc giảm từ 2% trở lên). Trường hợp doanh thu thực tế tăng (hoặc giảm) so với doanh thu trong hồ sơ dự án được duyệt, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư mỗi bên hưởng (hoặc chịu) 50% kinh phí. Tỉnh cho nhà đầu tư vay không tính lãi tối đa không quá 1.000 tỷ đồng trong 5 năm, bắt đầu từ năm kinh doanh công trình (dự kiến từ 2016-2020), mỗi năm tối đa không quá 200 tỷ đồng. Thời gian nhà đầu tư hoàn trả cho tỉnh chậm nhất từ năm thứ 10 kể từ khi kinh doanh công trình và hoàn trả mỗi năm ít nhất 200 tỷ đồng, thời gian hoàn trả tối đa không quá 5 năm (2026-2030).
Cũng tại Nghị quyết này đã nêu rõ: Phát hành trái phiếu địa phương 1.000 tỷ đồng để thực hiện các nội dung chi thuộc trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh đối với các dự án trên.
Cùng với quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc triển khai thực hiện công trình có ý nghĩa chiến lược này, rất cần sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là tinh thần đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân ở các địa bàn liên quan.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()