Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 13:43 (GMT +7)
Đòn bẩy để đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững
Thứ 5, 28/11/2024 | 11:30:56 [GMT +7] A A
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách là "điểm tựa" giúp nhiều hộ nghèo ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công NTM. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách là đòi hỏi bức thiết.
Ba Chẽ là huyện miền núi với tỷ lệ người DTTS chiếm trên 80%, điều kiện KT-XH trên địa bàn còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng nông - lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, trong đó kinh tế lâm nghiệp là chủ đạo. Trong quá trình đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Ba Chẽ đã thực hiện tốt việc gắn kết và lồng ghép giữa tín dụng chính sách xã hội (CSXH) với xây dựng NTM, phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội.
Giai đoạn 2019-2024, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn huyện tiếp tục tăng qua các năm. Đến nay, đã đạt trên 420 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân đạt trên 18%/năm. Tổng doanh số cho vay đạt 495 tỷ đồng, với hơn 7.000 lượt khách hàng được vay vốn. Kết thúc thực hiện kế hoạch năm 2024, dự kiến tổng dư nợ đạt trên 410 tỷ đồng, tăng 191 tỷ đồng (87%) so với năm 2019.
Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Ba Chẽ đạt 72 triệu đồng, và dự kiến đạt 80 triệu đồng/người trong năm 2024. Con số này là kết quả từ sự tích cực hỗ trợ người dân triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Đặc biệt, chiến lược “Xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu” đã và đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai, nhằm phát huy tối đa lợi thế tự nhiên, giúp người dân có sinh kế bền vững.
Anh Đặng A Năm (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc) sau khi được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương động viên, đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình sang cây gỗ lớn như giổi, xen kẽ một số loại cây dược liệu như quế, cát sâm, ba kích. Anh Đặng A Năm cho biết, kể từ khi bắt đầu trồng từ đầu năm 2022 đến nay, cây giổi lớn nhanh, phát triển tốt và hầu như không tốn phân bón. Bên cạnh thu nhập từ cây dược liệu sau 2 đến 3 năm, cây giổi sẽ cho thu hoạch quả và gỗ trong tương lai, giúp tôi có thu nhập bền vững, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất rừng.
Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 2.700 tỷ đồng với 71.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay thông qua 2.338 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong những năm tới, nguồn vốn các chương trình tín dụng CSXH tiếp tục tăng và việc nâng cao chất lượng tín dụng sẽ tạo thêm động lực cho người dân phát triển kinh tế, hạn chế tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn, góp phần thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy vùng DTTS phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả theo từng chương trình cho vay, đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích, bảo toàn và duy trì được nguồn vốn, hạn chế thấp nhất nợ xấu, tránh thất thoát nguồn vốn là thách thức không nhỏ đối với cán bộ và hệ thống ngân hàng chính sách trên toàn tỉnh. Ông Nịnh Văn Vùng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian qua, chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện được đảm bảo, nợ quá hạn là 0 đồng. Để đạt được kết quả này, hoạt động tín dụng luôn được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban đại diện Hội đồng quản trị, phát huy vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. MTTQ và các đoàn thể đã làm tốt công tác phối hợp giám sát hoạt động của Tổ vay vốn, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý nếu có trường hợp bình xét cho vay chưa đúng đối tượng, cho vay ké, thu lệ phí sai quy định; đảm bảo công tác thống kê, lập và lưu giữ hồ sơ, sổ sách của Tổ vay vốn chính xác, minh bạch…
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh, thời gian tới, ngân hàng CSXH các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, cơ quan liên quan, các đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh) trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng CSXH đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, dân chủ và an toàn vốn.
Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm và các ngành có liên quan đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất đến các hộ DTTS để áp dụng vào các mô hình kinh tế, giúp hộ nghèo, hộ DTTS làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập. Đồng thời, chủ động kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đồng bào DTTS và báo cáo các cấp có thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh hoặc bổ sung chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi; quan tâm xây dựng các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo, ý thức tự lực vươn lên. Quan tâm làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để mọi tầng lớp nhân dân đều hiểu và tiếp cận được với chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, của tỉnh và của các địa phương về tín dụng CSXH.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()