Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 03:00 (GMT +7)
Hoạch định chiến lược phát triển bền vững cho Hạ Long
Thứ 5, 26/12/2024 | 13:40:00 [GMT +7] A A
Sáng 26/12, TP Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã gợi mở, phân tích, định hướng, góp ý, khuyến nghị các vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản; giúp cho TP Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về các vấn đề nêu trên. Từ đó làm cơ sở quan trọng để thành phố hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Cần trao quyền cho TP Hạ Long theo cơ chế “địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm”. Theo số liệu bán vé tham quan Vịnh Hạ Long năm 2024 là khoảng 1.000 tỷ đồng. Tôi thấy con số này vẫn không tương xứng với một Di sản 3 lần được UNESCO vinh danh và sở hữu rất nhiều thế mạnh nổi trội mà không nơi nào có được. Nếu nhìn sang TP Thâm Quyến (Trung Quốc) sẽ thấy từ một làng chài nghèo đến nay thành phố này đạt doanh thu trên 10 tỷ USD mỗi năm từ du lịch trong khi chi phí đầu tư ban đầu cho lĩnh vực này chỉ khoảng 5 tỷ USD. So sánh câu chuyện này để thấy, Hạ Long sẽ phải hành động theo cách khác thường, hướng tới những lựa chọn ưu tiên “đặc thù” và hệ giải pháp chiến lược mới, phù hợp xu thế thời đại. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cần trao quyền cho TP Hạ Long theo cơ chế “địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm” để thành phố phát huy sức mạnh tự chủ, sáng tạo, giải quyết các vấn đề phát triển trong khuôn khổ Quy hoạch chung đã được phê duyệt. Ví dụ như cho phép TP Hạ Long cơ chế phát triển “vượt trước”, chính sách “đặc thù - đặc biệt” đúng tầm để xây dựng một Trung tâm Du lịch Quốc tế đẳng cấp thuộc loại cao cấp nhất, giống như mô hình phát triển du lịch ở Thâm Quyến, Dubai…; những chính sách đủ mạnh trong thu hút các nhà đầu tư phát triển sớm các cơ sở du lịch trên địa bàn Hoành Bồ để tạo thế “đối ngẫu phát triển” với du lịch biển; dành một ngân quỹ thỏa đáng để sáng tạo các câu chuyện về Hạ Long. |
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”. TP Hạ Long nên đặt không gian văn hóa Vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Để làm được điều này, thành phố nên sớm có chương trình khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể, toàn diện hơn về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Vịnh Hạ Long và các loại hình di sản (di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu) để có kế hoạch bảo tồn, chuyển hóa thành nguồn lực, nguồn tài nguyên, tương hỗ cho Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Mặt khác, thành phố cũng nên định vị rõ là thành phố biển, phát triển theo mô hình đô thị di sản, lấy di sản thiên nhiên, văn hóa làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long cũng phải đặt trong mối quan hệ và tầm nhìn với Vịnh Bái Tử Long và Cát Bà. Thành phố nên sớm tính đến việc góp phần xây dựng không gian sáng tạo văn hóa thứ hai ở vùng núi cao Yên Tử. Thời gian tới, nếu đề nghị của Việt Nam về Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh, thì Quảng Ninh sẽ có hai không gian sáng tạo văn hóa là Hạ Long và Yên Tử (một ở núi cao và một ở biển cả). Hai di sản đó sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế khu vực, quốc tế của đô thị di sản Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững kinh tế địa phương Việt Nam – ASEAN: “Mở rộng không gian tạo sự kết nối và lan tỏa, trở thành động lực phát triển của vùng, quốc gia, toàn cầu”. Trên cơ sở là một cực tăng trưởng lớn của tỉnh, TP Hạ Long ngày nay có điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hơn nữa vai trò này, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng tới các vùng xung quanh, bao gồm cả các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cũng như những tỉnh, thành ở vùng Đông Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và xa hơn nữa. Cùng với đó, Hạ Long đã là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Những yếu tố này mang lại điều kiện thuận lợi để Hạ Long mở rộng không gian tạo sự kết nối và lan tỏa, hướng tới sự phát triển ở quy mô vùng, quốc gia, toàn cầu. Chính bởi vậy, tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững kinh tế của TP Hạ Long cần thể hiện đậm nét cách tiếp cận này. Đồng thời, TP Hạ Long phải phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại độc đáo sẵn có của địa phương, nhất là Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới; tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cực tăng trưởng… |
PGS.TS Dương Văn Sáu (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội): “Biến nguyên bản thành phiên bản”. Thực tế cho thấy hiện nay, kinh tế di sản, kinh tế xanh ở các địa phương nói chung, TP Hạ Long nói riêng còn thiếu tính liên kết hệ thống, hình thức nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa tạo ra lợi thế giá trị của các di sản... Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá, tiếp cận hoạt động này với tư cách một hình thái kinh tế tổng hợp, mang đặc trưng văn hóa sâu sắc. Từ đó đề ra những giải pháp phù hợp trong quá trình phát triển và đáp ứng các yêu cầu của UNESCO về bảo tồn di sản. Với Vịnh Hạ Long, các bạn cần phải "biến nguyên bản thành phiên bản". Tức là phải phát triển các dịch vụ thích hợp, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Hạ Long. Ngoài việc tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc, tầm cỡ thường niên như Carnaval Hạ Long, thành phố cần tổ chức các hoạt động khai thác giá trị di sản văn hóa thường nhật, thường kỳ tại các điểm đến nhất định, phù hợp, như: Dưới biển chọn các vụng đảo phù hợp; trên bờ chọn các địa điểm như: Bảo tàng Quảng Ninh, chùa Long Tiên, Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn... với các loại hình nghệ thuật truyền thống của cư dân sinh sống trên địa bàn tỉnh và thành phố. Sản phẩm văn hóa đó được hình thành qua quá trình biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên và sản phẩm văn hóa đó được du khách “tiêu thụ” ngay trong quá trình biểu diễn. Sản phẩm văn hóa đặc trưng này chính là sản phẩm du lịch và được hình thành trên nguyên tắc “Biến nguyên bản thành phiên bản’” của các di sản văn hóa phi vật thể trong không gian các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Hạ Long. Khi làm tốt được điều này thì du lịch Hạ Long mới tạo được ra sự khác biệt, ấn tượng; biến giá trị cốt lõi thành giá trị gia tăng thông qua phát triển các dịch vụ thích hợp, từ đó hướng đến mục tiêu lớn nhất cho du khách là “Đi hết tầm - chơi hết mình - tiêu hết tiền”. |
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia: “Từ Vịnh Xanh đến Phố Xanh”- giải pháp đột phá bảo vệ di sản, thúc đẩy mô hình kinh tế xanh
Sự phát triển đô thị ven biển đang đặt ra thách thức lớn cho các thành phố di sản, trong đó Hạ Long là một ví dụ điển hình. Là Di sản Thiên nhiên Thế giới do UNESCO công nhận, Vịnh Hạ Long không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế di sản. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và áp lực phát triển du lịch đã làm suy giảm các vùng sinh thái nhạy cảm, gia tăng nguy cơ “bê tông hóa” không gian ven biển. Trong bối cảnh này, thiết nghĩ, ý tưởng “từ Vịnh Xanh đến Phố Xanh” sẽ là giải pháp đột phá không chỉ thúc đẩy việc bảo vệ di sản và bảo tồn môi trường, mà còn thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, nâng cao chất lượng sống của cư dân và thu hút du khách quốc tế. Tới đây, TP Hạ Long cần phải tạo ra các hành lang xanh ven biển như: Phát triển bờ kè mềm và công viên ven biển, tạo các tuyến đi bộ ven biển để khuyến khích du khách và người dân tương tác với không gian tự nhiên. Đồng thời, quy hoạch "khu phố xanh kiểu mẫu" tích hợp không gian xanh công cộng, phát triển khu đô thị không carbon… |
Ông Trần Phong Lãm, Phó Chủ tịch Điều hành, kiêm giám đốc khối Chính phủ, Tập đoàn FPT: “Chiến lược phát triển thành phố du lịch Hạ Long kết hợp công nghệ và di sản trong kỷ nguyên mới” Hạ Long là điểm đến hàng đầu ở Việt Nam thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề về quản lý du lịch của địa phương vẫn còn bất cập; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thực sự hiệu quả, hoạt động du lịch còn tính mùa vụ. Tôi thấy rằng, việc thực hiện chuyển đổi số, công nghệ số sẽ là giải pháp thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Hạ Long, phát triển kinh tế di sản. Hạ Long cần sử dụng công nghệ số để xây dựng các bản sao số của thành phố Hạ Long (Bản đồ số và 3D) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản; sử dụng các nền tảng số để quảng bá du lịch, như phát triển ứng dụng hướng dẫn du lịch thông minh. Cùng với đó, sử dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp khách hàng trải nghiệm trực tuyến, thu hút được khách du lịch; sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi khách hàng và xây dựng các chiến dịch quảng bá hiệu quả. Cùng với đó, triển khai hệ thống quản lý tổng thể du lịch; xây dựng kho dữ liệu du lịch tập trung; cảm biến IoT để giám sát môi trường và đảm bảo bảo tồn di sản… |
Hoàng Nga-Trúc Linh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()