Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 03:25 (GMT +7)
1 và 5 và... nhân hoạ!
Chủ nhật, 23/11/2008 | 11:12:17 [GMT +7] A A
Các báo vừa qua đã làm một phép thống kê với kết quả kinh hãi: Chỉ hơn 1 tháng mà Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương dự báo sai về tình hình mưa bão đến 5 lần.
Nếu là 5 lần dự báo sai trong một thời gian dài thì không có gì đáng nói vì dự báo có tính tương đối và bao hàm cả sự thay đổi (chấp nhận sai số). Nhưng sai đến 5 lần chỉ trong hơn 1 tháng thì là cái sai mang tính hệ thống. Dự báo sai đã "góp thêm" cùng với thiên tai làm gia tăng thiệt hại như trận mưa kỷ lục vừa rồi ở Hà Nội, cơn bão số 9 ở miền Trung là những ví dụ...
Dự báo là tiên đoán về những gì sẽ diễn ra. Dù là tiên đoán nhưng dự báo là một ngành khoa học bởi chỉ dự báo được cái diễn ra trong tương lai khi có phân tích khoa học về các dữ liệu đã thu thập được trong quá khứ và hiện tại. Dự báo thời tiết lại càng là một ngành khoa học.
Tuy nhiên, dự báo ngoài những yếu tố quan trọng như trên còn phụ thuộc vào kỹ thuật công nghệ và năng lực con người. Kỹ thuật công nghệ dự báo thời tiết của ngành khí tượng nước ta chưa hẳn là tiên tiến nhưng cũng chẳng thua kém bao nhiêu so với các nước khu vực. Hơn nữa, trong khoa học khí tượng thuỷ văn còn có sự hợp tác khu vực và thế giới rất chặt chẽ. Chẳng nhẽ, thế giới cũng dự báo sai nhiều như ở Việt Nam?
Thiên nhiên thì khó lường nhưng năng lực con người lại có giới hạn và càng giới hạn hơn khi tính chủ quan của con người luôn chi phối công việc, kể cả trong khoa học. Trong khoa học người ta cố mọi cách để loại trừ tính chủ quan. Trong dự báo kinh tế hay dự báo thời tiết cũng vậy.
Theo tư duy thị trường, mọi cái có thể trở thành hàng hoá và có thể mang đi bán, duy chỉ dự báo thời tiết thì không bán được và cũng không được phép bán trong nội bộ quốc gia. Những dữ liệu khí tượng thuỷ văn quý giá vô cùng nhưng người làm nghề khí tượng thuỷ văn không thể bán ra thị trường nội địa những dữ liệu mình có.
Các dữ liệu đo đạc khí tượng thuỷ văn được xử lý cùng với những dữ liệu khí tượng của quốc tế có thể giúp cả quốc gia thoát khỏi thiên tai, chí ít cũng hạn chế thiệt hại có thể. Khí tượng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, tất cả các quốc gia.
Thiên tai không trừ một ai. Chỉ có điều, ai dự đoán chính xác xu hướng vận động của thiên nhiên thì người đó có thời gian né tránh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai. Do vậy mà người làm nghề khí tượng thuỷ văn là nghề cao quý và đáng trọng. Chính vì thế mà Nhà nước Việt Nam đã chi tài chính rất lớn để đầu tư kỹ thuật công nghệ, đồng thời cũng đầu tư nhân lực xác đáng cho khoa học dự báo khí tượng thuỷ văn nước nhà.
Trong xã hội có những niềm vui bắt nguồn từ sự đau khổ của người khác. Có những ông chủ công ty xử lý môi trường chỉ vui sướng khi mưa to, lũ lớn bất ngờ khiến con người trở tay không kịp, để họ kiếm tiền nặng túi. Có lẽ, chỉ những người vui trên nỗi đau người khác như vậy mới cảm ơn ngành khí tượng thuỷ văn khi dự báo sai liên tục!
Tình trạng dự báo thời tiết sai mang tính hệ thống khiến người ta quan tâm 2 nguyên nhân. Một là, dự báo sai có thể do thiên nhiên luôn thay đổi. Nhưng nếu đổ hết tội cho thiên nhiên là không thể. Nếu thế thì cần ngành khoa học khí tượng thuỷ văn làm gì! Hai là, năng lực về kỹ thuật công nghệ và nhân lực ngành khí tượng thuỷ văn có... vấn đề.
Nguyên nhân thứ hai dường như có tính thuyết phục hơn. Nếu thế, chỉ có một cách duy nhất: Tăng cường kỹ thuật công nghệ nhiều hơn đồng thời với thay đổi nhân sự - thay đổi tính chủ quan trong dự báo khí tượng! Nói như vậy thì ngành khí tượng thuỷ văn đừng tự ái, và chúng ta cũng không ngại sự tự ái đó. Bởi việc làm này là vì lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia.
Liên kết website
Ý kiến ()