Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:28 (GMT +7)
100% đường bộ cao tốc và thành phố lớn sẽ có hệ thống giao thông thông minh
Thứ 5, 04/08/2022 | 08:59:20 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, thông qua nhiều mục tiêu của ngành giao thông giai đoạn 2022 - 2030.
Nhấn mạnh 5 mục tiêu chính quyết tâm “thông minh hóa” giao thông Việt Nam
Về tổng quát, đề án hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng triệt để thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, đến năm 2025, một trong các mục tiêu quan trọng đề án đặt ra là 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc T.Ư triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS - Intelligent Transport System).
Bên cạnh đó, tiến hành áp dụng thí điểm mô hình thông tin công trình (BIM) trong công tác quản lý, vận hành cho 1 - 3 công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước. Đến năm 2030, có thể áp dụng rộng rãi mô hình này.
Song song ứng dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến để đổi mới công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng làm chủ, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0.
Cùng thời gian này, hoàn thành 100% chuyển đổi số các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì của các đơn vị thuộc Bộ GTVT, hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu. Từ đó, hướng đến hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ và triển khai nhiều dự án trọng điểm cho thị trường giao thông tại Việt Nam, đại diện ELCOM - ông Phạm Minh Thắng, Tổng giám đốc công ty chia sẻ: “Việc đề án xác lập mục tiêu đồng bộ hóa hệ thống điều hành giao thông thông minh sẽ đảm bảo sự “giao tiếp” thông tin chính xác và tức thời trong tuyến cũng như liên tuyến, không chỉ hỗ trợ công tác quản lý mà còn giúp nâng cao hoạt động cảnh báo rủi ro an toàn giao thông cho các tuyến đường”.
Chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp Việt trong thúc đẩy chuyển đổi số giao thông
Trước đó, một số tuyến cao tốc ứng dụng công nghệ ITS của các nước khác nhau gây ra nhiều khó khăn, bất cập khi tích hợp hệ thống liên tuyến. Bởi vậy, đề án này cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong nước qua nhiều chủ trương chính để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt tham gia triển khai các dự án ITS.
Về thể chế, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế và giải pháp khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đối tác công - tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đầu tư, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng đến các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong nước.
Về cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, đề án nêu rõ giải pháp đầu tư xây dựng các phần mềm ứng dụng các chuyên ngành giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam.
Nhìn chung, đề án được phê duyệt thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong đồng bộ hệ thống giao thông thông minh và xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Khi đó, Chính phủ và doanh nghiệp hợp lực sẽ là tiền đề để đề án được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành giao thông nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()