Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:39 (GMT +7)
100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri
Thứ 2, 23/05/2022 | 16:48:09 [GMT +7] A A
Ngày 23/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo.
I. Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.
Kết quả như sau:
1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 110/110 kiến nghị.
Cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa; chủ động phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”; lần đầu tiên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm như: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi…
Bên cạnh đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nghe báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng đã tạo nền nếp và chuyển biến về chất lượng, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
2. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 3.217/3.217 kiến nghị.
Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Nhiều kiến nghị cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.
Một số kiến nghị cụ thể đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…
3. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 41/41 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời về quy định tổ chức phiên tòa trực tuyến; việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử...
II. Về một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế:
Thứ nhất, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng
(1) Cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex đã dừng bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo để ngư dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá theo chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Qua giám sát cho thấy, chỉ có 4 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67, gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty bảo hiểm PVI.
Từ tháng 3 năm 2020, 4 doanh nghiệp trên đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo Nghị định số 67 và đến tháng 4/2020, các doanh nghiệp này đã thông báo sẽ tạm dừng nhận bảo hiểm cho đến khi nhận được chấp thuận của Bộ Tài chính về các đề xuất nêu trên. Mặc dù Bộ Tài chính nêu đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay người dân vẫn chưa được mua bảo hiểm tàu cá.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi cho người dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi về bảo hiểm tàu cá theo quy định tại Nghị định số 67.
(2) Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị sớm cấp ra-đi-ô cho các đối tượng được thụ hưởng theo Quyết định số 1860 phê duyệt Đề án “Thí điểm cấp ra-đi-ô cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới”.
Qua giám sát cho thấy, Quyết định số 1860 được triển khai thí điểm ở 10 tỉnh thuộc 4 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền trung, cấp ra-đi-ô cho già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, bí thư chi bộ… ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III, xã biên giới. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2021. Từ ngày 5/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1313 giao 66.450 triệu đồng (Sáu mươi sáu tỷ, bốn trăm năm mươi triệu đồng) cho Ủy ban Dân tộc để thực hiện Đề án.
Mặc dù đã được cấp kinh phí thực hiện nhưng Ủy ban Dân tộc chưa triển khai được Đề án, nên kinh phí không sử dụng đã bị hủy dự toán. Như vậy, các đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được cấp ra-đi-ô trong khi đã hết thời gian thực hiện chính sách.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1860, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định trên; có giải pháp khắc phục để các đối tượng thụ hưởng được cấp ra-đi-ô.
Thứ hai, một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết
(1) Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Khi nghiên cứu để giải quyết kiến nghị của cử tri, quan điểm của Bộ Công thương chưa thống nhất: trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công thương thừa nhận “việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 là cần thiết… xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ thực hiện thủ tục công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 28, đồng thời nghiên cứu xây dựng văn bản mới quy định về kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.
Tuy nhiên, khi giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương lại cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới hiện nay đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, do đó, Bộ Công thương không đề xuất xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 28. Như vậy, nội dung trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn và nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không thống nhất.
Kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương thực hiện thủ tục công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 28 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề cử tri kiến nghị trước khi ban hành văn bản trả lời cử tri, tránh việc không thống nhất khi giải quyết, trả lời.
(2) Cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận kiến nghị các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Qua giám sát cho thấy, Nghị định số 107 đã quy định Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm: “Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc sở”.
Mặc dù Nghị định số 107 được ban hành từ ngày 14/9/2020 và Bộ Nội vụ đã nhiều lần có văn bản đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ này nhưng đến nay vẫn còn 4 Bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Thanh tra Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn nên các địa phương chưa có cơ sở để quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở, chi cục thuộc sở và triển khai sắp xếp tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nêu trên khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn.
Thứ ba, kiến nghị của cử tri mặc dù đã được Bộ, ngành chỉ đạo giải quyết nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên chưa được giải quyết dứt điểm
Cử tri tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng như tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương. Đây là kiến nghị từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm nên tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tiếp tục kiến nghị.
Qua giám sát cho thấy, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông để triển khai thực hiện việc di dời và Bộ Công thương đã có văn bản giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện nhưng chưa kiểm tra, đôn đốc sát sao việc thực hiện nên sau hơn 6 năm, kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa.
Thứ tư, một số văn bản Bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết
(1) Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tại Nghị định số 81 đã quy định cụ thể, chi tiết để có thể thực hiện ngay sau khi Nghị định được ban hành nên không cần ban hành thông tư hướng dẫn.
Qua giám sát cho thấy, tại Nghị định số 81, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thẩm quyền phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81. Trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa phù hợp với quy định nêu trên. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 81.
(2) Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ vào cuối tháng 11 năm 2021 gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trả lời cử tri, Bộ Công thương chỉ nêu các quy định của pháp luật về quy trình vận hành trong mùa lũ đối với sông Ba Hạ nhưng vấn đề cử tri quan tâm là làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ vào cuối tháng 11 năm 2021 lại không được đề cập đến. Kiến nghị Bộ Công thương trả lời rõ vấn đề cử tri kiến nghị.
III. Về các kiến nghị
1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.
2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.
Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội.
Theo Nhandan.vn
- Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế báo cáo Quốc hội về mua thiết bị chống dịch và giá xét nghiệm
- Kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
- Quốc hội quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
- Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
- Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Liên kết website
Ý kiến ()