Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:02 (GMT +7)
11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,3%
Thứ 2, 29/11/2021 | 15:29:13 [GMT +7] A A
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/11 cho thấy, trong tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; nhập khẩu tăng 27,5%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,16 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,74 tỷ USD, tăng 3,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2021, tăng 18,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 30%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 14,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.
Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 89%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm 7,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm 2,7%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,6 tỷ USD, tăng 14,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 tăng 20,8%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,9%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%.
Trong 11 tháng năm 2021 có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 280 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 139,2 tỷ USD, tăng 22% và chiếm 46,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 141 tỷ USD, tăng 34,3% và chiếm 47,1%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%. Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%. Thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%. Hoa Kỳ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 11/2021, ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 20,19 tỷ USD); trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,32 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 24,55 tỷ USD.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch COVID-19; đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để tránh ảnh hưởng xuất khẩu sang EU bởi đây là thị trường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.
EU là thị trường có nhu cầu lớn lượng nông sản nhập khẩu, nhưng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và quy định nghiêm ngặt về mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU không tuân thủ theo các quy định thì rất dễ bị cấm xuất khẩu, thậm chí có thể nâng mức kiểm tra, giám sát và ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vào thị trường này…
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()