Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 14:02 (GMT +7)
15 loại trà thảo mộc tăng cường sức khỏe
Thứ 2, 01/01/2024 | 13:27:05 [GMT +7] A A
Trà thảo mộc là hỗn hợp các loại thảo mộc, cây thuốc, trái cây… mang những đặc tính có lợi cho sức khỏe. Ngày nay, sử dụng các loại trà thảo mộc trở thành phổ biến tốt cho sức khỏe.
Cho đến cuối thế kỷ thứ VI, trà thảo mộc được coi là thức uống chữa bệnh. Chỉ sau này nó mới dần trở thành một thức uống phổ biến để thưởng thức và chăm sóc sức khỏe chủ động. Trà thảo mộc đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe trong việc nâng cao hệ miễn dịch, chống viêm, ngủ ngon, thư giãn, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và giảm cân…
Điều tuyệt vời nhất là trà thảo mộc không chứa cafein, rất phù hợp cho những ai mong muốn có một thức uống ấm áp, dễ chịu mà không có tác dụng phụ của cafein.
Dưới đây là một số loại trà tốt cho sức khỏe của bạn:
1. Trà thảo mộc tăng cường sức khỏe tổng thể
- Trà nhân sâm: Trà nhân sâm từ lâu đã được sử dụng như một thức uống tăng cường sức khỏe tổng thể. Theo y học cổ truyền, nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân.
Trà nhân sâm có tác dụng tốt lên tất cả các hệ cơ quan, giúp tái tạo tế bào bạch cầu, ngăn chặn sự nhân lên của virus và rút ngắn thời gian cảm cúm.
- Trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa làm giảm sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể, bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, ngăn ngừa ung thư. Trà xanh còn được biết đến với tác dụng cải thiện chức năng não bộ, tăng cường đốt cháy chất béo, cải thiện sức khỏe răng miệng, giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 và các bệnh tim mạch khác.
- Trà kỷ tử: Trà kỷ tử được người Trung Quốc mệnh danh là "kim cương đỏ" vì những lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Câu kỷ tử có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh vì chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Chiết xuất từ quả kỷ tử đỏ có tác dụng ức chế khối u tiềm ẩn (do khả năng tăng mức độ chất chống oxy hóa và giảm mức độ cytokine gây viêm IL-5 và IL-8 trong máu). Sử dụng trà kỷ tử thường xuyên còn cải thiện chứng trầm cảm, lo âu và khó ngủ.
2. Trà thảo mộc chống viêm
- Trà bồ công anh: Trà bồ công anh chứa hàm lượng flavonoid cao. Các hợp chất này hoạt động như chất chống oxy hóa giúp loại bỏ độc tố và hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
- Trà bạc hà: Bạc hà có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và chống viêm, có thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài và cải thiện các triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp.
- Trà nghệ: Trà nghệ có nhiều lợi ích với sức khỏe. Đặc tính chống viêm mạnh mẽ của nó giúp giảm viêm, giảm sưng tấy, đồng thời ngăn ngừa bệnh Alzheimer và ung thư. Củ nghệ cũng có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp bạn khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
- Trà hoa hồng: Trà hoa hồng chứa nhiều vitamin C và hợp chất thực vật có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống viêm tốt. Một số nghiên cứu cho thấy bột hoa hồng có khả năng giảm viêm ở những người viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý viêm xương khớp.
3. Trà thảo mộc hỗ trợ hệ tiêu hóa
Trà hỗ trợ hệ tiêu hóa theo nhiều cách khác nhau: Giúp hấp thụ khí, cải thiện lưu lượng máu đến toàn bộ hệ tiêu hóa và loại bỏ các gốc tự do gây khó chịu cho dạ dày. Hầu hết các loại trà thảo mộc đều chứa phenol - chất giúp tăng cường sức mạnh cơ dạ dày và thực quản, giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng.
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc giúp làm dịu dạ dày, giảm đau bụng và giảm triệu chứng ợ nóng. Trà hoa cúc cũng có thể hỗ trợ tiêu chảy và đau bụng ở trẻ em.
Ngoài ra, trà hoa cúc còn được sử dụng trước khi đi ngủ và hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Trong hoa cúc có chứa apigenin - một hợp chất chống oxy hóa và gây buồn ngủ. Apigenin tự gắn vào các thụ thể trong não, có tác dụng làm giảm lo lắng, tạo ra sự bình tĩnh, dẫn đến buồn ngủ.
- Trà bạc hà: Menthol có trong bạc hà làm dịu cơn đau dạ dày, giảm táo bón, hội chứng ruột kích thích (IBS) và say tàu xe. Nó cũng cho thấy tác dụng giảm buồn nôn, nôn ở những người đang hóa trị.
- Trà gừng: Gừng chứa phenol gingerol và shogaol, giúp kích thích bài tiết dịch tiêu hóa và khả năng tiêu hóa thức ăn. Trà gừng cũng được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng buồn nôn, ốm nghén.
4. Trà thảo mộc tốt cho giấc ngủ và thư giãn
- Trà hoa đậu biếc: Trong y học cổ truyền, hoa đậu biếc có tác dụng an thần, giảm căng thẳng và lo âu. Thưởng thức 1-2 tách trà hoa đậu biếc trước khi ngủ có thể giúp bạn thư giãn tinh thần và ngủ ngon hơn. Hoa đậu biếc cũng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, tốt cho sức khỏe da và tóc.
- Trà hoa oải hương: Trà hoa oải hương không chỉ mang tới giấc ngủ ngon mà còn có hiệu quả thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng và lo lắng. Đây là thức uống hỗ trợ giấc ngủ an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng.
Nghiên cứu ở những phụ nữ sau sinh uống 1 tách trà mỗi ngày (khoảng 237ml) trong vòng 2 tuần cho thấy hiệu quả giảm mệt mỏi, lo âu và cải thiện giấc ngủ.
5. Trà thảo mộc hỗ trợ giảm cân
- Trà bí đao: Thành phần chủ yếu của bí đao là nước, nhưng khi hấp thụ vào cơ thể có tác dụng hạn chế sự giữ nước. Bí đao giúp cơ thể thải được chất độc ra ngoài, vì thế trà bí đao không những hỗ trợ giảm cân mà còn có tác dụng làm đẹp da.
Đây cũng là thức uống phổ biến giúp thanh nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, giảm căng thẳng, mệt mỏi và tăng cường quá trình trao đổi chất.
- Trà ô long: Trà ô long là trà bán lên men, không chứa vitamin C nhưng giàu các khoáng chất như sắt, canxi... và các chất thúc đẩy enzyme tiêu hóa, phân hủy chất béo. Sử dụng đều đặn trà ô long trước hoặc sau bữa ăn có thể thúc đẩy quá trình phân hủy chất béo, giúp đốt cháy mỡ trong cơ thể và ngăn ngừa béo phì.
- Trà đen: Trà đen là trà được làm bằng cách cho lá trà tiếp xúc với không khí ẩm, giàu oxy để biến lá trà từ màu xanh lục sang màu nâu sẫm – đen. Thành phần punol trong trà đen (hình thành trong quá trình lên men) có tác dụng ngăn ngừa sự tích tụ chất béo (nhất là mỡ vùng bụng dưới).
Nếu muốn sử dụng trà đen để giảm cân, tốt nhất bạn nên uống trà đậm mới pha, uống 1 cốc trước và sau bữa ăn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()