Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:40 (GMT +7)
"Đưa những cánh rừng dừa nước trở thành địa điểm phát triển du lịch sinh thái bền vững..."
Chủ nhật, 11/07/2021 | 08:19:06 [GMT +7] A A
Hơn 20 năm trước, đau đáu trước nhiều vùng bãi triều ngập mặn của Quảng Ninh dần biến mất, Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, kỹ sư Lâm học, Trưởng Phòng Lâm sinh và Môi trường đã cùng Tiến sĩ Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh quyết tâm xây dựng và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với công trình “Giải pháp nghiên cứu trồng thử nghiệm cây dừa nước từ huyện Đại Bình, tỉnh Bến Tre về trồng và phát triển tại tỉnh Quảng Ninh”. Đây là một trong những công trình khoa học nổi bật tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V năm 2015.
Sau hơn 20 năm, hai đồng tác giả công trình ấy đều đã nghỉ hưu nhưng thành quả là những rặng dừa nước đã phát triển ổn định tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mang tới tiềm năng về một loại cây đặc hữu với nhiều công dụng, góp phần phát triển kinh tế cho người dân. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có dịp trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân - một trong hai tác giả của công trình.
- Thưa TS Đỗ Thanh Vân, ông có thể cho biết ý tưởng thực hiện công trình đưa cây dừa nước từ tỉnh Bến Tre về trồng tại Quảng Ninh ra đời như thế nào?
+ Tôi sinh ra ở vùng ven biển Quảng Yên, ngay từ nhỏ, trong tôi đã nhen nhóm niềm yêu tha thiết những vùng biển quê hương. Lớn lên, theo học và công tác trong ngành Lâm học, tôi luôn trăn trở và quyết tâm về phục hồi những vùng bãi triều ngập mặn của quê hương. Công trình trồng cây dừa nước tại Quảng Ninh là một phần trong đề tài “Nghiên cứu giải pháp trồng rừng chắn sóng ven biển và cửa sông tỉnh Quảng Ninh” đã được Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Ninh nghiệm thu đạt kết quả loại khá, do Phòng Lâm học khi đó thực hiện (nay là Phòng Lâm sinh và Môi trường). Trong khi xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học để trình, anh Đãng (Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khi ấy - TG) là chủ nhiệm đề tài, tôi là cộng tác viên nghiên cứu, cùng bàn nhau làm sao để xây dựng và phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Quảng Ninh đang ngày một mất đi.
Thời điểm đó, chúng tôi đã thử nghiệm trồng dừa nước và một số cây ngập mặn bản địa, nhập ngoại từ Hồng Kông, Malaysia như: Vẹt dù, trang biển, mắm biển, đước vòi, giá biển, cóc vàng tại một số vùng đất bãi triều ở Quảng Ninh. Hầu hết các loại cây này đều nhân giống thành công. Riêng cây dừa nước trồng từ tháng 6/1996 tại bãi triều đê Điền Công thì được đưa vào nghiên cứu. Sau 2 năm thì chúng tôi hết kinh phí bảo vệ và chăm sóc, đồng thời, anh Đãng chuyển công tác mới.
Trồng cây dừa nước ở phía Bắc Việt Nam với khí hậu khắc nghiệt, khác hẳn với các tỉnh phía Nam là cả một thách thức lớn. Tôi bàn với anh em trong phòng tự bỏ kinh phí trồng cây trên bầu hữu cơ nhẹ (công trình khoa học tại Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh lần thứ V năm 2015), thuê bảo vệ, theo dõi đo đếm số liệu. Kết quả là sau 10 năm cây dừa đã đơm hoa, kết trái.
Năm 2014 chúng tôi thu hái quả giống và gieo trồng tại tuyến đê Hà Nam, đê Hà An (TX Quảng Yên) cho kết quả rất tốt từ vị trí trồng thử nghiệm đầu tiên với độ mặn 5‰. Nhóm tiếp tục chuyển trồng vị trí mới cách đó trên 20km với độ mặn trên 20‰, cây sống và phát triển tốt. Đầu năm 2015, được Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga cấp tiếp 150 quả giống, chúng tôi tiếp tục tạo vườn ươm, huấn luyện cây giống cho phù hợp với khí hậu phía Bắc Việt Nam. Cuối năm 2016, số cây giống này và nguồn giống tại chỗ (tại vườn giống Điền Công - TP Uông Bí) được đem trồng nhiều địa điểm khác nhau tại Uông Bí, Quảng Yên, cửa sông Tiên Yên đều phát triển rất tốt. Nếu không có việc trồng khảo nghiệm, theo dõi đánh giá trên 20 năm như vậy thì không đánh giá thành công của dừa nước. Thêm một loài cây trong tập đoàn cây trồng ngập mặn là tăng kết cấu lâm phần rừng bền vững, đa dạng loài.
- Tại sao ông lại chọn đưa cây dừa nước mà không phải những loại cây khác để nhân giống tại các vùng ngập mặn của Quảng Ninh?
+ Trong nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, tôi đã thử nghiệm có chọn lọc nhiều loài cây rừng phòng hộ (cây ngập mặn) có tăng trưởng về chiều cao, đường kính, ưu tiên loài cây đa mục đích (môi trường, kinh tế - xã hội…). Dừa nước được chọn bởi đây là loài cây phù hợp phát triển phòng hộ ven đê biển, sông của Quảng Ninh cũng như miền Bắc, hệ rễ phát triển chằng chịt, bám và giữ đất chống xói mòn cao. Mặt khác, diện tích trồng loài cây này ven biển, cửa sông, vùng hồ sinh thái đô thị, ven đê biển của Quảng Ninh rất lớn. Khai thác sản phẩm từ rừng trồng dừa nước cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững, đặc biệt du lịch sinh thái, tăng trưởng kinh tế từ “nâu sang xanh” là định hướng phát triển lâu dài của địa phương. Dừa nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Quảng Ninh nói riêng, phía Bắc nói chung.
- Việc nhân giống dừa nước cần thời gian dài và phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan như khí hậu, thổ nhưỡng… Một công trình mà tốn tới gần 20 năm với quá nhiều khó khăn thử thách, có bao giờ ông cùng cộng sự định bỏ cuộc không?
+ Nhân giống và trồng thành công cây dừa nước là cả quá trình lâu dài, thành công được hay không phải là con người có tâm huyết, trí tuệ, sự "hy sinh” vì phát triển của con người từng ngày chống lại sự biến đổi của khí hậu cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững. 20 năm đằng đẵng đã khiến chúng tôi nhiều lần nản lòng khi chưa có một kế hoạch cụ thể của tỉnh Quảng Ninh về phát triển cây dừa nước trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Mục tiêu, quy hoạch, định hướng phát triển. Mặt khác, cần có nguồn kinh phí ban đầu phát triển rừng dừa nước trên nền quy hoạch đã được phê duyệt, cũng như một đơn vị có năng lực để thực hiện nhiệm vụ ấy. Thế nhưng sau tất cả, cả nhóm vẫn quyết tâm không từ bỏ và may mắn thay cây dừa nước đã không phụ lòng người. Giờ đây, nhìn thành quả là những rặng dừa xanh tốt, tôi cũng thầm cảm ơn tất cả những người cộng sự ngày ấy vì họ đã quyết tâm đến cùng.
- Trong tương lai, ông có mong muốn tiếp tục những công trình khoa học với những giống cây khác không?
+ Một trong những tâm nguyện của chúng tôi là đưa những cánh rừng dừa nước thành địa điểm phát triển du lịch sinh thái bền vững, nơi học tập cho mọi người trong và ngoài nước, nơi phát triển kinh tế bền vững cho người dân ven biển, là một “miền Nam thu nhỏ” tại Quảng Ninh. Đồng thời là đai rừng phòng hộ đê biển hữu hiệu trước những cơn bão biển và nước triều dâng. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn cần có nhiều loài cây khác phát triển trên đất ngập nước ven hồ nước ngọt nhằm chống sa mạc hóa đất đai ven biển cũng như cải tạo những vùng nuôi trồng thủy hải sản không hiệu quả.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của những vùng đất ngập mặn tại Quảng Ninh? Liệu có nên tiếp tục tận dụng nguồn tài nguyên này để thử nghiệm những giống cây trồng mới không?
+ Tiềm năng của vùng đất ngập mặn Quảng Ninh là rất lớn, song việc khai thác sử dụng bền vững như thế nào cần có quyết định ủng hộ đúng của chính quyền các cấp, cùng quyết tâm thực sự từ phía các ban, ngành; lắng nghe đề xuất của mọi người dân trong phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Quảng Ninh, tôi tin rằng sẽ có hiệu quả và thành công như ý. Trước tiên phải có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tiếp đến là quy hoạch trồng dừa nước cùng một số loài cây chịu mặn khác, có lộ trình cụ thể, kinh phí thực hiện đúng quy định thực tế hiện hành.
- Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()