Mực nước xuống thấp do đơn vị thi công xả, cùng thời tiết nắng nóng, hơn 200 tấn cá nuôi trên hồ Sông Mây chết hàng loạt, bốc mùi ảnh hưởng các khu dân cư.
Ngày 29/4, hàng loạt cá nuôi trên lòng hồ thuỷ lợi của Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây thuộc xã Bình Minh, huyện Trảng Bom như rô phi, mè, trắm... lờ đờ nổi lên mặt nước rồi chết hàng loạt. Một diện tích lớn mặt hồ bao phủ bởi xác cá. Nắng nóng khiến mùi hôi của cá bốc lên ảnh hưởng các khu dân cư gần hồ.
"Nhà tôi cách hồ chừng 700 m nhưng cứ có gió là mùi hôi từ hồ thổi vào không thể chịu nổi", ông Trần Văn Lân, ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh nói và cho biết cá ở hồ thuỷ lợi đã chết từ nhiều ngày nay.
Thượng úy Lê Minh Tấn, Quản lý Tổ nuôi trồng thủy sản, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, cho biết sau khi xảy ra tình trạng cá chết, đơn vị đã liên tục cử người vớt xác cá để không ảnh hưởng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do diện tích hồ quá lớn với ước tính khoảng 200 tấn cá đã bị chết nên đơn vị không vớt kịp.
UBND huyện Trảng Bom đã cử đoàn xuống ghi nhận, bước đầu xác định cá chết hàng loạt là do quá trình thực hiện dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây, đơn vị thi công đã xả nước, cùng với thời tiết khô hạn khiến cá chết hàng loạt.
Cũng theo chính quyền huyện Trảng Bom, trước khi triển khai công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã có văn bản gửi các địa phương và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khuyến cáo về việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian đơn vị thi công dự án.
Trước mắt Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất - Vĩnh Cửu - Trảng Bom đề nghị Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây nhanh chóng thu gom cá trong hồ để đảm bảo môi trường nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu sau này.
Hồ Sông Mây có diện tích hơn 300 ha, là hồ chứa nước tưới tiêu cho khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Hiện, diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 2 hecta, độ sâu mặt nước thấp (nơi sâu nhất cao khoảng một mét so với đáy hồ) và số lượng cá trong hồ đã chết gần hết, số còn sót lại không đáng kể.
Ý kiến ()