Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:56 (GMT +7)
3 trẻ ở Đông Nam Á tử vong vì viêm gan "bí ẩn": Phụ huynh Việt cần làm gì?
Thứ 4, 04/05/2022 | 09:10:23 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia, có một số việc phụ huynh cần chú ý thực hiện, trong bối cảnh bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" nguy hiểm đã xuất hiện và gây thiệt hại về nhân mạng ở khu vực Đông Nam Á.
Mới đây, Bộ Y tế Indonesia đã thông tin về 3 trường hợp bệnh nhi tử vong vì viêm gan cấp tính do virus "bí ẩn" gây ra. Các bệnh nhi nhập viện cấp cứu ở Jakarta, với những triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và ngất xỉu, theo Bloomberg. Sau sự việc đau lòng, cơ quan chức năng Indonesia đã tiến hành các biện pháp để giám sát dịch bệnh toàn quốc.
Còn tại Singapore, một em bé 10 tháng tuổi cũng được cho biết mắc viêm gan cấp tính, với các xét nghiệm đều âm tính với các loại virus gây viêm gan A, B, C và E.
Trước những thông tin trên, nhiều ý kiến lo ngại trẻ em có thể bị tấn công nếu căn bệnh viêm gan "lạ" xâm nhập vào Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
"Nghi phạm" gây viêm gan cấp tính bí ẩn
Trao đổi với PV Dân trí, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, về cơ bản giới nghiên cứu đã tìm được căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn". Đó là adenovirus, khi phần lớn trẻ mắc bệnh đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.
Theo PGS Dũng, việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này gây suy gan nặng, tử vong hoặc phải ghép gan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ của những trường hợp gần đây là việc tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, đối tượng mắc bệnh nặng trước kia thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Do đó, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến.
PGS Dũng cũng chia sẻ, có một số luồng thông tin nghi ngờ vaccine Covid-19 dùng adenovirus để điều chế gây bệnh viêm gan nói trên. Tuy nhiên trên thực tế, adenovirus của vaccine Covid-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh và đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản.
Còn chủng adenovirus gây bệnh viêm gan là chủng của người (cụ thể là type 41). Hai chủng virus này không liên quan nhau, và do đó vaccine không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính. Đó là chưa kể vaccine dùng adenovirus không được sử dụng tiêm cho trẻ.
Một giả thuyết khác được đưa ra, đó là khi đứa trẻ cùng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và adenovirus sẽ có hiện tượng trao đổi gen với nhau, từ đó khiến adenovirus dễ đột biến hơn. Căn cứ của giả thuyết trên là việc đa số trẻ phát hiện nhiễm viêm gan cấp tính "lạ" đều sống ở vùng trước đây từng chống chọi với dịch Covid-19. Chuyên gia cho rằng đây là cơ chế bình thường, có thể xảy ra khi bất kỳ dịch bệnh nào lưu hành.
Dù ban đầu khi thống kê, người ta thấy khoảng 10-20% trẻ nhiễm bệnh viêm gan trên từng mắc Covid-19 nhưng hiện tại theo thời gian, tỷ lệ đã không còn nhiều. Do đó, không thể nói Covid-19 là nguyên nhân gây bệnh viêm gan "bí ẩn".
Phụ huynh, người dân cần làm gì?
Với tình hình bệnh viêm gan bí ẩn đã "xâm nhập" và gây thiệt hại về nhân mạng ở khu vực Đông Nam Á, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng điều cần thiết hiện tại là phải giúp cho người dân hiểu Covid-19 vẫn là vấn đề cần quan tâm, vì nó không chỉ gây bệnh, tự biến chủng mà có thể góp phần tạo ra các biến chủng virus khác. Do đó, phụ huynh nếu có điều kiện hãy cho trẻ tiêm vaccine Covid-19.
Thứ hai, cần cảnh báo các triệu chứng nghi ngờ nhiễm viêm gan để trẻ được đưa đi điều trị kịp thời. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân gây gia tăng ca mắc viêm gan thời gian gần đây là do phát hiện trễ. Đơn cử khi bị nóng sốt, người dân có tâm lý nghĩ là "hậu Covid-19" chứ không nghĩ là bệnh khác. Mặc khác, cũng vì dịch Covid-19 khiến người dân ngại đi điều trị, khiến bệnh có thời gian phát triển nặng hơn.
"Các triệu chứng cụ thể cần chú ý như ở đường tiêu hóa (như tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn), sốt, đau vùng gan, vàng da, có đốm xuất huyết nhỏ…" - chuyên gia phân tích.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()