Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc phế quản, chủ yếu do virus, vi khuẩn gây ra. Người thường xuyên hút thuốc lá, tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết triệu chứng viêm phế quản tương tự những bệnh hô hấp khác gồm ho khan hoặc ho có đờm, sổ mũi, thở khò khè, sốt, mệt mỏi, chán ăn... Không ít trường hợp người bệnh chủ quan không đi khám, khiến tình trạng viêm tiến triển nặng, gây biến chứng như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, áp xe phổi...
Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh thường phục hồi sau 1-3 tuần. Dưới đây là điều cần tránh khi chữa bệnh tại nhà.
Tự ý sử dụng thuốc
Sử dụng lại đơn thuốc cũ, tham khảo đơn thuốc trên mạng có thể khiến điều trị không hiệu quả, gây tác dụng phụ. Nếu viêm phế quản do virus gây ra, sử dụng kháng sinh không có tác dụng. Tự ý dùng kháng sinh dễ dẫn đến kháng kháng sinh. Một số trường hợp có những bệnh lý khác như viêm phổi, áp xe phổi với triệu chứng tương tự như viêm phế quản. Tự ý dùng thuốc, chậm trễ điều trị gây ra nhiều biến chứng.
Theo bác sĩ Hương, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trước khi chỉ định cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh, bác sĩ thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương. Bệnh nhân sử dụng kháng sinh theo phác đồ cá thể hóa, dựa trên các yếu tố gồm mức độ bệnh, nguồn lây, vi khuẩn từng được phân lập trước đó, tiền sử sử dụng kháng sinh trong 30 ngày, bệnh nền, điều kiện ngoại cảnh (mô hình vi khuẩn của địa phương, độc tính của thuốc, tương tác thuốc).
Một số loại thuốc ho không kê đơn như thuốc giảm ho khan, ho long đờm cũng không nên tùy tiện sử dụng. Niêm mạc ống phế quản bị viêm tạo ra chất nhầy dư thừa, gây ho đờm thường xuyên. Phản xạ này giúp loại bỏ chất kích thích ra khỏi phổi và đường thở. Bác sĩ Hương cho biết người bệnh uống thuốc giảm ho khi ho có đờm có thể gây tác dụng ngược do dịch đờm chứa vi khuẩn, virus hay các độc tố ứ đọng trong đường thở, làm gia tăng tình trạng khó thở.
Người bệnh nên uống nhiều nước, sử dụng mật ong chanh để giảm ho. Trẻ em dưới một tuổi tránh sử dụng mật ong để đề phòng nguy cơ ngộ độc.
Không tuân thủ lộ trình điều trị
Uống thuốc không đúng giờ, không đủ liều lượng, tự ý ngưng giữa chừng khi thấy bệnh giảm nhẹ có thể làm giảm hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ tái phát. Sử dụng kháng sinh không đủ phác đồ làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc. Thông thường, người bệnh cần sử dụng thuốc trong vòng 5-7 ngày hoặc kéo dài hơn tùy thuộc tình trạng.
Không đảm bảo môi trường sống trong lành
Khói thuốc lá, thuốc lào có thể làm triệu chứng nặng hơn và kéo dài thời gian hồi phục, tăng nguy cơ tiến triển thành viêm phế quản mạn tính. Người bệnh nên bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động, đảm bảo không gian sống sạch sẽ. Các thiết bị làm điều hòa không khí, máy hút ẩm, tạo ẩm cần vệ sinh định kỳ.
Không chú ý độ ẩm
Các triệu chứng viêm phế quản có thể tăng nặng nếu người bệnh ở lâu trong môi trường không khí có độ ẩm không phù hợp. Không khí khô gây mất nước, kích ứng ống phế quản, khiến ho, đau họng, khó thở tồi tệ hơn. Không khí ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển trong nhà, tăng nguy cơ bội nhiễm. Theo bác sĩ Hương, mọi người nên duy trì độ ẩm không khí trong nhà ở mức 40-60%.
Không tái khám
Bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn hoặc khi có bất kỳ triệu chứng nào bất thường để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu không chữa dứt điểm viêm phế quản cấp, những ổ viêm nhiễm ở phế quản tạo điều kiện hình thành viêm phổi, thường gặp ở người già, trẻ em và người mắc bệnh mạn tính.
Các biểu hiện của bệnh dễ diễn tiến viêm phổi như ho không bớt, đờm chuyển từ vàng xanh sang gỉ sắt, nhuốm máu hoặc có mùi hôi; nhịp thở tăng hơn 24 lần mỗi phút; nhịp tim tăng hơn 100 lần mỗi phút; khó thở, hụt hơi, thở khò khè; cảm giác đau ngực dữ dội, sốt. Một số người còn bị buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
Ý kiến ()