Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:40 (GMT +7)
5 nhược điểm bạn phải cân nhắc khi mua laptop gaming
Thứ 3, 02/03/2021 | 08:00:01 [GMT +7] A A
Laptop gaming có thể được trang bị nhiều linh kiện hiện đại và có hiệu năng mạnh mẽ, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến nhược điểm của dòng laptop này chưa?
Không cần phải nghĩ nhiều khi nói rằng laptop gaming là một sản phẩm có hiệu năng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong những năm gần đây, dòng laptop gaming vẫn vướng phải một vài nhược điểm khá lớn. Tùy thuộc vào nhu cầu của bạn mà việc sử dụng laptop gaming có thể gây bất tiện cho đến phung phí tiền bạc.
Nếu bạn đang cân nhắc mua một chiếc laptop gaming, trước hết hãy tham khảo 5 nhược điểm lớn nhất của dòng laptop này để đưa ra quyết định tối ưu nhất cho bản thân.
1. Laptop gaming có thời lượng sử dụng pin ngắn
Mặc dù viên pin trang bị trên các dòng laptop gaming khác nhau sẽ có nhiều khác biệt, tuy nhiên điểm chung là hầu hết thời gian sử dụng đều khá ngắn.
Laptop gaming yều cầu phải có các linh kiện với hiệu năng mạnh mẽ, điển hình là CPU và GPU, để có thể mang lại trải nghiệm mượt mà nhất có thể. Tuy nhiên, linh kiện càng mạnh thì nó cần càng nhiều năng lượng, từ đó khiến thời gian sử dụng pin của laptop gaming giảm đi đáng kể.
Vấn đề chính dẫn đến điểm yếu này là vì các nhà sản xuất không nâng cấp pin cho laptop gaming để bắt kịp với mức độ tiêu thụ năng lượng của các linh kiện cao cấp. Hầu hết các dòng laptop gaming hiện nay chỉ có thể sử dụng pin trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 tiếng ở tác vụ thường và ít hơn nữa khi chạy các dòng game nặng.
Khi so với những dòng laptop khác, thời lượng sử dụng pin trên laptop gaming thấp hơn mức trung bình nhiều lần. Nguyên nhân là vì hầu hết các dòng laptop khác quản lý mức năng lượng tiêu thụ hiệu quả hơn và các linh kiện cũng không ngốn quá nhiều điện năng.
Để dễ so sánh, MacBook Pro M1 mới ra mắt năm 2020 của Apple có thời lượng pin lên đến 20 giờ đồng hồ, bạn đã thấy sự khác biệt rồi chứ?
Như vậy, nếu bạn muốn sử dụng laptop gaming, hãy đảm bảo những nơi bạn thường ngồi luôn có ổ cắm điện gần đó.
2. Laptop gaming ít có sự lựa chọn khi muốn nâng cấp
Có rất nhiều hãng sản xuất laptop gaming với nhiều dòng sản phẩm cùng nhiều thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, có một điểm chung là dòng laptop gaming thiếu sự lựa chọn khi nâng cấp, đặc biệt là khi so với PC.
Nếu bạn là một game thủ, việc chơi game trên laptop có thể sẽ cần phải nâng cấp phần cứng như RAM hay bộ nhớ. Tuy nhiên, bộ phận chính có thể nguy cơ dẫn đến hiện tượng "nghẽn cổ chai" là CPU và GPU lại không thể nâng cấp, ngoài việc lựa chọn ngay khi mua. Tương tự, một số linh kiện cũng không thể nâng cấp như pin, hệ thống làm mát bên trong…
Đó là do cách nhà sản xuất thiết bị lắp ráp các linh kiện với nhau, kích thước và cả mức tiêu thụ năng lượng. Không như PC, các linh kiện trên laptop gaming không thể tự do thay thế được. Bạn không thể cứ thế tháo linh kiện cũ ra và ráp cái mới nhất vào như trên PC.
Ngoài một số cách cải thiện hiệu năng bằng phần mềm, thì cách duy nhất để nâng cấp phần cứng là mua một chiếc laptop gaming đời mới hơn.
3. Laptop gaming thường nóng và ồn
Một nhược điểm dễ thấy của dòng laptop gaming là chúng thường tỏa rất nhiều nhiệt và tạo ra tiếng ồn lớn khi hoạt động nặng.
Dù hệ thống tản nhiệt trong máy đã được cải thiện hơn, thiết kế bên trong cũng được tối ưu cho các luồng không khí di chuyển, nhưng laptop gaming vẫn còn tỏa rất nhiều nhiệt và tiếng quạt làm mát vẫn còn quá lớn khi chúng hoạt động hết công suất để ngăn hiện tượng quá nhiệt khi bạn chơi game cường độ cao.
Đây là một nhược điểm khá lớn, nhất là ở các dòng laptop gaming mỏng, thiết kế kém và cả những dòng được trang bị linh kiện quá khủng.
Với những dòng laptop gaming mỏng, nhà sản xuất phải nhồi nhét cùng loại linh kiện hiệu năng cao đó vào một không gian chật hẹp hơn nên nó sẽ tỏa nhiệt nhiều hơn. Bạn không thể cho thêm bộ tản nhiệt vào bên trong vì nó sẽ không còn "mỏng" nữa.
Các sản phẩm laptop gaming thiết kế kém hiệu quả cũng tương tự. Một số ví dụ cho các lỗi trong thiết kế như vị trí đặt khe gió, vật liệu rẻ tiền, sắp xếp và không gian lắp đặt linh kiện không tối ưu luồng không khí làm mát. Những lỗi thiết kế này sẽ khiến không khí không thể lưu thông bên trong thiết bị, do đó nó sẽ chẳng thể làm mát hay giảm tiếng ồn.
Với những dòng laptop gaming cấu hình khủng, vấn đề nằm ở chính linh kiện của nó. Như đã nói ở trên, linh kiện càng mạnh thì điện năng tiêu thụ càng cao và sẽ tạo ra càng nhiều nhiệt lượng. Trừ khi chiếc laptop gaming của bạn có một hệ thống làm mát hiện đại, thì cấu hình quá khủng sẽ khiến thiết bị nhanh chóng bị quá nhiệt khi chơi game hoặc hoạt động nặng.
Nhiều cách thường được sử dụng như đế tản nhiệt hay không đặt máy trên các vật liệu mềm, kể cả trên đùi, chỉ có thể làm giảm phần nào chứ không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề quá nhiệt trên laptop gaming.
Cho đến hiện tại, nóng và ồn gần như vẫn là hai đặc trưng riêng của laptop gaming. Vì vậy, nếu bạn muốn lựa chọn dòng laptop gaming, hãy chắc chắn bạn sẽ không dùng nó ở nơi cần sự yên tĩnh hay trong phòng thu âm.
4. Laptop gaming có giá quá đắt nếu chỉ để chơi game
Nếu bạn là một game thủ và đang muốn đầu tư vào một chiếc laptop gaming, có lẽ điều khiến bạn đắn đo nhất là giá cả.
Ít nhất, bạn phải chi ra khoảng 20 triệu đồng cho một chiếc laptop gaming tầm trung, đắt gần gấp đôi so với những thiết bị chơi game PlayStation của Sony hay Xbox của Microsoft. Và nếu bạn đang tìm một chiếc laptop gaming có thông số kỹ thuật tương đương với PS5 hay Xbox Series X, thì giá thành còn cao hơn nữa.
Có thể nhiều người sẽ cho rằng laptop được cải tiến liên tục từ năm này qua năm khác, nên bạn chỉ cần đợi vài năm là có thể mua được một chiếc laptop cấu hình tương đương thiết bị chơi game console thế hệ hiện tại với giá phải chăng hơn. Hoặc đơn giản là chờ những dòng máy này giảm giá.
Tuy nhiên, có hai vấn đề ở đây.
Đầu tiên, dù các dòng laptop gaming mới ra mắt liên tục thì bạn vẫn phải trả trên 20 triệu cho một thiết bị tầm trung. Đồng thời, bạn cũng sẽ không thể biết được liệu sản phẩm trong năm tới có sự cải tiến vượt bậc so với thiết bị của bạn hay không.
Điều này đã xảy ra trong năm vừa qua. Các dòng laptop gaming sắp sửa được đại tu toàn bộ ở cả CPU và GPU. Không chỉ vậy, mức giá cho các thiết bị mới cũng tương tự với giá của sản phẩm ra mắt năm trước đó.
Thứ hai, bạn sẽ phải chờ rất lâu mới có thể tìm được một chiếc laptop gaming có cấu hình ngang với thiết bị chơi game console thế hệ hiện tại với giá chỉ khoảng 10 triệu đồng. Dù mỗi năm sau khi ra các dòng sản phẩm mới, những sản phẩm thế hệ trước sẽ có phần giảm giá. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá không nhanh như bạn nghĩ đâu.
Mặc dù laptop gaming có thể tiện lợi hơn nhiều so với thiết bị chơi game console, nhưng giá tiền của nó vẫn khá là chát đấy. Hãy thử tưởng tượng bạn phải trả gấp đôi tiền cho một chiếc laptop gaming có cùng cấu hình với thiết bị console chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí.
5. Laptop gaming tốn nhiều chi phí hơn so với lắp ráp PC gaming
Nếu bạn đang có ý định chuyển từ PC gaming sang laptop gaming, hãy nhớ rằng dù bạn sẽ có một thiết bị cơ động hơn, nhưng nó lại bị giới hạn về cấu hình.
Đồng thời, PC gaming có khả năng nâng cấp cấu hình, bạn có thể thay thế các linh kiện đã lỗi thời bằng những linh kiện hiện đại hơn thay vì mua cả một chiếc máy tính mới mỗi khi cần nâng cấp.
Ngoài ra, phần cứng trên laptop gaming cũng là phiên bản tùy biến của phần cứng cho PC, nhờ đó cho những linh kiện này nhỏ gọn và tiện lợi hơn. Cùng một loại linh kiện, nhưng phiên bản cho laptop thường có hiệu năng thấp hơn so với phiên bản trên PC, do đó tuổi đời của nó cũng sẽ ngắn hơn.
Laptop gaming ít có khả năng nâng cấp và thời gian sử dụng ngắn hơn. Do đó, việc mua một chiếc laptop gaming sẽ tốn chi phí hơn so với việc lắp ráp một bộ PC gaming.
Laptop gaming đang thay đổi
Laptop gaming có thể đang gặp những trở ngại lớn khi game thủ dần chuyển sang thiết bị di động. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là tin xấu. Dòng laptop gaming đang được cải tiến mạnh mẽ hơn, các nhà sản xuất đang tìm cách khắc phục những thiếu sót của nó. Biết đâu laptop gaming sẽ có một tương lai khá thú vị đấy.
Theo vnreview.vn
Liên kết website
Ý kiến ()