Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 00:21 (GMT +7)
60 năm Bác Hồ và Anh hùng Giécman Ti-tốp thăm Vịnh Hạ Long 22/1 (1962-2022)
Thứ 5, 20/01/2022 | 07:09:15 [GMT +7] A A
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm, theo dõi nền khoa học vũ trụ của Liên Xô (Liên bang Nga hiện nay). Khi thấy có bài viết nào liên quan đến vấn đề đó, Người thường cắt lại làm tư liệu nghiên cứu, viết bài đăng báo, giới thiệu cho nhân dân ta hiểu thêm về những thành tựu vĩ đại của nhân dân Liên Xô anh em. Mỗi khi Liên Xô phóng vệ tinh, Bác đều có bài viết đăng báo Nhân dân và gửi điện chúc mừng Đảng và Nhà nước Liên Xô.
Giécman Ti-tốp (Gherman Stepanovich Titov (1935-2000)) là một nhà du hành vũ trụ người Liên Xô. Với chuyến bay vào vũ trụ ngày 6/8/1961 trên tàu Vostok 2, Giécman Ti-tốp trở thành người thứ hai bay quanh trái đất, trước đó là Yuri Gagarin trên Vostok 1. Chuyến bay của Giécman Ti-tốp đã chứng minh rằng, con người có thể sống và làm việc trong không gian. Ông là người đầu tiên bay quanh trái đất nhiều lần (tổng cộng 17 lần), là người đầu tiên lái tàu vũ trụ và ở hơn một ngày trên vũ trụ. Ông cũng là người đầu tiên ngủ trên quỹ đạo trong không gian. Giécman Ti-tốp đã thực hiện những bức ảnh thủ công đầu tiên từ quỹ đạo, do đó lập kỷ lục cho nhiếp ảnh không gian hiện đại. Sau khi thực hiện thành công chuyến bay, trở về trái đất, ông đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Chuyến bay thành công vào vũ trụ của ông là thành quả vĩ đại của nhân dân, nhà nước Liên Xô trong nghiên cứu, chinh phục vũ trụ lúc bấy giờ.
Sau khi biết tin tàu vũ trụ Phương Đông 2 thực hiện thành công chuyến bay vòng quanh trái đất 17 lần vào ngày 6/8/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng và ngày 7/8/1961, Người đã gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsốp - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và khẳng định: “Đối với thắng lợi của Liên Xô, nhân dân Việt Nam chúng tôi rất sung sướng và rất tự hào, vì đó là thắng lợi chung của phe xã hội chủ nghĩa và của toàn thể loài người”. Và trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Đài phát thanh Mátxcơva tại Hà Nội, Người nói: “Tôi thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi những lời chúc mừng nhân dịp Liên Xô phóng con tàu vũ trụ Phương Đông 2 và chuyển lời chào nhiệt liệt tới nhà du hành vũ trụ Liên Xô Ti-tốp”. Người còn tìm đọc những bài viết về sự kiện đặc biệt này: “Thành tựu to lớn chưa từng thấy”, “25 giờ bay trong vũ trụ” và “Người vũ trụ thứ hai là ai?” được in trong cuốn Tạp chí Thời mới bằng tiếng Pháp, số 33, phát hành ngày 16/8/1961 và để lại những dòng bút tích.
Và trong trang bản thảo Người viết tay bài diễn văn đọc tại buổi chiêu đãi Ti-tốp, ngày 21/1/1962 tại Hà Nội, có số kiểm kê TP.278, có đoạn: “Cách đây hơn 90 năm, Mác đã đoán trước được rằng giai cấp vô sản sẽ tấn công lên trời. Cho nên thành công của đồng chí Ti-tốp và đồng chí Gagarin là thành công của chủ nghĩa Mác Lênin vĩ đại. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản chẳng những làm chủ thế giới mà còn sẽ chinh phục và làm chủ cả vũ trụ”. Ngoài ra, để ca ngợi những thành tựu đó và để mỗi người dân Việt Nam hiểu và cùng chia vui với nhân dân Liên Xô, dưới bút danh TL, Người còn viết các bài báo “Vượt hơn 1428 lần” đăng báo Nhân dân số ra ngày 10/8/1961, “Hai chế độ, hai kết quả” đăng báo Nhân dân số ra ngày 16/8/1961. Đặc biệt, Người đã mời nhà du hành vũ trụ Giécman Ti-tốp sang thăm Việt Nam.
Nhận lời mời của Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Bác Hồ, tháng 1/1962, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá Giécman Ti-tốp đã sang thăm Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp thân mật với những tình cảm chân thành nhất. Thời gian đó tuy bận rất nhiều công việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian đón tiếp và nói chuyện với Giécman Ti-tốp. Người coi Giécman Ti-tốp là khách quý của nhân dân Việt Nam và của Người. Bản thân đồng chí Giécman Ti-tốp cũng không ngờ được vị Chủ tịch của Việt Nam dành cho sự quan tâm đặc biệt như vậy.
Thay mặt Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam cho Giécman Ti-tốp (Lệnh số 4 - LCT do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20/1/1962). Tối ngày 21/1/1962, tại buổi chiêu đãi Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, trong lời phát biểu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ý nghĩa, niềm tự hào của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam trước “kỳ công của người phi công anh hùng Liên Xô” Giécman Ti-tốp. Vui mừng đón tiếp đồng chí Giécman Ti-tốp, Người mong mọi người “cần học tập nơi đồng chí Ti-tốp những đức tính cao quí, như trí tuệ dồi dào, tinh thần anh dũng, đức tính khiêm tốn, chí khí kiên quyết, vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong thời gian Giécman Ti-tốp sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Giécman Titốp đi thăm một số địa phương ở miền Bắc, trong đó có chuyến đi thăm Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh). Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo khu Hồng Quảng, sáng ngày 22/1/1962, Bác Hồ và Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô đi thăm Vịnh Hạ Long trên chiếc tàu Hải Lâm của Hải quân. Khoảng gần 12 giờ trưa, trời rét đậm, tàu đưa Bác và Anh hùng vũ trụ Liên Xô thăm vịnh Hạ Long đến một hòn đảo đá đẹp, có bãi cát trắng dưới chân đảo, Bác bảo cho tàu cập đảo, để mọi người dừng chân thăm đảo. Khi mọi người còn đang loay hoay tìm cách để Bác và Anh hùng Liên Xô lên đảo an toàn thì Bác đã ra mũi tàu, Bác bảo mọi người: “Các chú mặc Bác, Bác đi tàu quen rồi…”, rồi Bác nhảy xuống đảo trước.
Sau khi đi một vòng thăm đảo, Bác khen đảo đẹp. Trưa hôm ấy, Bác cùng Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô ăn bữa cơm kỷ niệm với đảo và các chiến sĩ bảo vệ Bác. Bữa cơm đầy ý nghĩa, Bác gắp cá, thức ăn cho Anh hùng Liên Xô, rồi Bác hỏi mọi người: “Để có một kỷ niệm về chuyến thăm vịnh Hạ Long và biết ơn nhân dân Liên Xô, Bác đặt tên hòn đảo là “đảo Ti-tốp”, có được không?”. Mọi người cười rất vui, nhất trí. Anh hùng Liên Xô Ghéc man Ti-tốp cùng cười và bày tỏ lòng vinh dự. Đồng chí Giécman Ti-tốp cảm ơn và nói: “Đó thật là một vinh dự lớn lao cho cháu”. Từ ấy, đảo đá được mang tên Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô Ghéc man Ti- tốp.
Cũng ngày hôm ấy, trên tàu Hải Lâm của Hải quân, Bác đội mũ Hải quân Nhân dân Việt Nam, Bác khen mũ đẹp, có ý nghĩa của biển. Bác căn dặn các chiến sĩ Hải quân: “Ngày xưa ta chỉ có đêm, có rừng núi. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó…” Từ ấy, mũ Hải quân Nhân dân Việt Nam và lời căn dặn của Bác Hồ với các chiến sĩ Hải quân mãi mãi đi vào lịch sử của Hải quân và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau sự kiện này, cuốn Báo ảnh Quân đội (phụ trương của Báo Quân đội nhân dân gộp các số 1, 2, 3, ra tháng 3/1962) đã dành hẳn 1 trang để đăng những bức ảnh về chuyến thăm của Bác và G.Ti-tốp đến vịnh Hạ Long. Bên dưới bức ảnh G.Ti-tốp tươi cười cầm bó hoa do nhân dân Vùng mỏ tặng mình, ông đã ghi những dòng cảm tưởng đầy xúc động: "Xin chúc nhân dân lao động Việt Nam thu được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam và trong công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất Tổ quốc”.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng vũ trụ G.Ti-tốp còn gặp gỡ các nhà làm công tác khoa học và giảng dạy Việt Nam, liên hoan với thanh niên thủ đô, thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và dự mít tinh của nhân dân thủ đô chào mừng Anh hùng vũ trụ G.Ti-tốp. Có thể nói, đây là cuộc đón tiếp đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Anh hùng vũ trụ G. Ti-tốp. Chính vì vậy, trong buổi tiệc Bác Hồ chiêu đãi chia tay đồng chí G. Ti-tốp được tổ chức tại Phủ Chủ tịch, với sự trân trọng và xúc động trước tình cảm nồng thắm của nhân dân Việt Nam và đặc biệt là của Bác Hồ kính yêu, anh hùng G. Ti-tốp đã kính tặng Bác Hồ cuốn sách “700.000km trong vũ trụ” và kèm theo tấm ảnh chân dung của mình in trên giấy dầy theo kiểu bưu thiếp có kích thước 9,6 x 14,5cm. Trên trang đầu cuốn sánh là lưu bút của tác giả với lời đề tặng: “Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn", phía dưới có chữ ký tay của G.Ti-tốp đề ngày trùng với ngày tặng sách 24/1/1962.
Cuốn sách “700.000km trong vũ trụ” là món quà đầy kỷ niệm của Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Ti-tốp kính tặng Bác Hồ khi nhận được tình cảm quý mến và trân trọng của Đảng, của nhân dân Việt Nam và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng, Chính phủ và các nhà khoa học Liên Xô trong đó có cá nhân G. Ti-tốp. Cuốn sách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón nhận và gìn giữ nó ngay nơi ở và làm việc của mình cho tới lúc Người đi xa.
Sau này, Anh hùng Giécman Ti-tốp đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam với Liên Xô. Với cương vị là Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga - Việt là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, vào ngày 27/6/1997, ông đã có dịp trở lại Việt Nam, thăm lại hòn đảo Ti-Tốp. Ông đã xúc động ghi vào sổ lưu niệm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long: "Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ này”.
Với mong muốn góp phần tiếp tục phát triển tình hữu nghị quý báu, truyền thống giữa Việt Nam với Liên bang Nga, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp và hỗ trợ Trung ương Hội hữu nghị Việt - Nga thực hiện dự án xây dựng tượng đài Anh hùng vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp trên vịnh Hạ Long. Ngày 14/9/2015, tại đảo Ti-tốp trên vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Anh hùng phi công vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp.
Tượng đài được hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, được đưa vào sử dụng, giúp tỉnh Quảng Ninh có thêm một công trình kiến trúc đặc sắc, tôn vinh thêm giá trị lịch sử - văn hóa, thắt chặt thêm mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, trở thành một công trình văn hóa, nghệ thuật và sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá giá trị của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Hoàng Đại Dương (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()